CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ NỖI SỢ

Giữa lúc CNTT phát triển như vũ bão, thì vẫn có một “bộ phận không nhỏ” sợ hãi khi nhắc đến mạng xã hội và thiết bị công nghệ. Tại sao lại có nỗi sợ ở đây? 

Xã hội ngày nay 1 năm tiến hóa và nhảy vọt bằng nhiều năm so với quá khứ (nếu không muốn nói có khi đến hàng chục, hàng trăm năm). Nhưng, hãy chưa động đến khái niệm công nghệ hay thời đại công nghệ mấy chấm – mà thử xem sẽ được gì và mất gì khi áp dụng CNTT?

Nhớ lại những năm 1980 của thế kỉ trước, những người tiên phong của Bộ Thông tin khi đó kiên trì thuyết phục lãnh đạo đưa internet phổ biến rộng rãi vào VN đã gặp những khó khăn thế nào. Họ bị “giới bảo thủ” đưa ra thuyết “an toàn” để tìm đủ cách ngăn chặn, ném đá. Tất nhiên rồi xã hội cũng phải đi theo xu thế tất yếu của nó. Trái đất phải được trả lại với nhận thức hình cầu, Internet được phổ biến rộng rãi vào VN và phát triển cùng thế giới. 

Cái gì cũng có hai mặt của nó, nhưng mặt trái của CNTT được giới bảo thủ đặc biệt lợi dụng để khai thác vào những mục đích khác nhau. Họ dọa dẫm, đè nén, ngăn cấm bằng nhiều cách bao gồm cả thủ đoạn để tạo ra nỗi sợ. Không biết thì tất sẽ sợ! Muốn hết sợ thì phải biết, muốn biết tất phải học. Chỉ có điều, đối với một số “bộ óc” mà nói – công nghệ là thứ học không được. Nội hàm của nó, giá trị cốt lõi của nó là tự mình phải biết và hành được, thứ không thể cậy cục người khác làm thay, không thể sai, không thể mướn. Đó là một năng lực!

Nhớ mấy năm trước, đến như Lầu năm góc rồi Chính phủ điện tử Anh, Hàn Quốc… cũng bị hack. Phái thủ cựu (thực chất là một tập hợp những kẻ không có hiểu biết đầy đủ về công nghệ) lại được một cơ hội vùng lên răn dạy, ngăn cấm. Nhưng rồi những phản ứng yếu ớt, quê độ đó đi nhanh vào quên lãng vì nhờ “được tấn công” mà những cơ quan, chính phủ kia đã nâng cao khả năng phòng vệ, trình độ công nghệ và bảo mật của họ được nâng lên một mức mới (Bkav nói là nhờ “thực chiến”). Thử hỏi, lâu lâu không hắt hơi, sổ mũi một lần, cơ thể mỗi người có trụ được khi bị con bệnh tấn công? Đứa trẻ cứ giữ mãi trong những áo quần, khăn mũ, che chắn, bảo bọc liệu có đủ khỏe, đủ đề kháng mà trải đời gió mưa được hay không?! 

Có người từng bị một số kẻ xấu đánh sau lưng vì áp dụng công nghệ. Chúng không thể đủ trình phản bác nên ném đá sau lưng. Chỉ những người không hiểu Facebook mới cấm người khác dùng FB. Chỉ những kẻ không quản lí nổi cái máy tính mới cấm người ta dùng máy tính. Chỉ có không hiểu gì về virus mới cấm máy tính kết nối mạng. Thời công nghệ 4.0 lại được bọn chúng hiểu là “4 không” (không máy tính, không smartphone, không internet, không mạng xã hội). Giữa thời 5G, 6G, họ cầm “cục gạch” trong tay nghênh ngang đi lẫn vào loài người mà không biết xấu hổ.

Để tránh đi sai đường, ai tham gia Công nghệ nên tìm hiểu kĩ “NQ của BCT về đẩy mạnh CNTT” (NQ số 36), có chương trình cụ thể hẳn hoi. 

Công chức còn nghi ngờ và sợ đi sai đường Công nghệ nên xem NQ số 26 của CP về thực hiện NQ số 36 của BCT. 

Những gì đang diễn ra trong cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây trên đất U-cà về công nghệ, về vũ khí thông minh, về UAV làm cho từng người lính phải thức tỉnh. Đã đến lúc phải thấy được tính mạng của mỗi người cầm súng trên chiến trường đã phụ thuộc và công nghệ lắm rồi.

Trong khi, ở một góc u tối nào đó, vẫn có những người dùng Word Office để sản xuất ra thứ văn bản cấm dùng công nghệ. Thật trớ trêu, bản Office của chúng đang dùng để lạch cạch gõ ra thứ văn bản “an toàn” đó lại là bản cài vi phạm bản quyền, do kẻ trộm bẻ khóa tạo ra mà có./.

Xem thêm Phần 2Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6

Bài viết được đề xuất

1 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *