CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ NỖI SỢ (Phần 5)

NÉM ĐÁ, KỲ THỊ VÀ DỌA NẠT

“Anh, bảo ai đó xóa ngay tấm hình anh chụp có quân phục trên trang của họ kìa”.

“Trang nào? Ai vậy? Hình nào?”.

“Để em tìm lại… dạ, trôi mất rồi”.

Giống như với tôi ở trên, hàng ngày, hàng giờ bạn cũng có thể nhận được một tin nhắn, một cuộc gọi “có trách nhiệm” và thống thiết như vậy.

Và nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?

Tôi thì im lặng, cảm ơn một tiếng cho lạc trôi vào dòng đời. Người ta tốt như thế với mình cơ mà. Nông dân trồng lúa xưa gọi là “tốt như phân bắc”.

Hay đó chỉ là một lời dọa nạt? Liệu nó có làm cho ai đó phân tâm, thậm chí sợ hãi không?

Đó là MXH. Còn computer của bạn thì sao?

Ai cũng biết cái máy tính chính là căn nguyên, là cội rễ đã làm thay đổi thế giới đương thời, hiện đại này, thay đổi triệt để. Nhân loại có ngày hôm nay với bao nhiêu thành tựu mà có khi tiến hóa một năm bằng cả trăm năm là nhờ máy tính. Vậy mà có nơi, máy tính chỉ còn là một công cụ nhận những thứ văn bản có khi quan tọng, có khi không, hay có khi chỉ là thứ rác rưởi vớ vẩn. Máy tính nhưng chỉ để nhận và đọc, mà cấm làm bất cứ việc gì khác trên đó, thậm chí cấm gửi, cấm lưu, cấm làm bất cứ việc gì, thậm chí chơi game, nghe nhạc hay lưu hình ảnh cá nhân.

Vì đâu nên nỗi? Vì đâu lại có cái chuyện quay lại thời kỳ tiền sử như vậy? Ai là chủ mưu? Là vì một lí do “AN TOÀN”, là con An và thằng Toàn? Có câu – “mất an toàn là mất hết”. Hết đâu mà hết. Thử hỏi một ngày trong mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia có bao nhiêu vụ việc mất an toàn, mà người đó, tổ chức đó, quốc gia đó có mất đâu. Thậm chí bom nguyên tử có giã xuống – Hiroshima, Nagasaki vẫn hồi sinh, vẫn sống. Lí do là “an toàn” hay “cầu toàn”?

Đàng sau cái lí do “an toàn” là một câu chuyện dài. Câu chuyện của cái ghế; câu chuyện thành tích; câu chuyện của ngu đần, lạc hậu; câu chuyện của vô minh; câu chuyện của cấm đoán; câu chuyện của bon chen, của dọa nạt… Vì lí do nào đó, có khi người ta đặt ra các tỉ lệ mất an toàn cho phép siêu thực, hầu như không thể thực hiện.

Cô bạn cùng công ty mình, hơn 30 tuổi, bỗng một ngày đi tập tễnh. Mình hỏi: “em sao vậy?”. Nàng trả lời: “em đang đi tự nhiên trẹo chân”. Ngạc nhiên chưa? Mất an toàn quá. Nhưng sao lại vậy nhỉ? Cô nàng đó là một người làm tài chính, rất cẩn thận. Vậy mà với kinh nghiệm đi bộ hơn 30 năm, vẫn chưa thể đi bộ cho an toàn. Oài! Phức tạp rồi đây. May mà sự trẹo chân của cô em không ảnh hưởng đến thành tích thi đua của công ty, chứ không sếp sẽ cấm, cấm đi bộ cho khỏi trẹo chân. Như thế thì người người trong công ty chỉ còn nước … bò hoặc đi bằng tay, chứ sao còn đi bộ được nữa.

Nhớ lại câu chuyện, một cậu đang ăn cơm nhai phải hạt sạn, vỡ mất cái răng số 7, cả mâm đã lo lắng, nghĩ đến rằng thì là sếp có thể nào sẽ cấm nhai không? Khi đó chắc chỉ còn nước lùa đồ ăn vào mồm và nuốt thôi, nhai gì nữa. Thế là cả mâm thống nhất giấu nhẹm, không báo tin nhai cơm vỡ răng nữa.

An toàn là một câu chuyện lớn.

An toàn như một bức tường quây người ta lại cho khỏi những tác động từ bên ngoài vì mục đích an toàn, nhưng nó cũng chính là nhà tù, nhốt người ta trong đó.

Muốn hết bị nhốt, bắt buộc người ta phải phá rào, phải nhảy rào để không phải mất an toàn, mà là chấp nhận nó để mà tiến hóa. Kiểu như một đứa trẻ, muốn trải đời, nó phải đến lúc rời khỏi vòng tay ẵm bế của cha mẹ để bước xuống và tự đi bằng đôi chân của mình, đi và ngã, và mất an toàn, và rồi sẽ trưởng thành.

Làm việc với máy tính, hãy làm đi, vài lần sai sót, vài lần mất an toàn rồi mới nghĩ được ra cách khắc phục lỗi cho an toàn, mới tìm ra thuốc giải.

Muốn an toàn ư? Thật ra trên đời này cũng không có việc gì, lĩnh vực gì an toàn tuyệt đối. Thử cứ ngồi yên trong nhà xem có khi nào không bị xe tông không?

Trở lại câu chuyện ở trên đầu kia. Lần sau nếu bạn được người ta cảnh báo an toàn kiểu đó, được “quan tâm” kiểu đó, hãy nhìn thẳng vào mắt họ, liên kết chuỗi một chút, bạn sẽ nhận ra bộ mặt thật của kẻ đó. Và việc còn lại là của bạn, nghe hay phớt lờ, hãy tự lựa chọn!

Chó cứ sủa, trăng cứ trôi. Trên con đường của mình đi nếu cứ mỗi con chó sủa một tiếng, bạn lại dừng lại ném chúng một hòn đá, thử hỏi khi nào mới đến đích?

Chỉ có chính bạn mới được quyền can thiệp vào đời tư của bạn!

Xem thêm Phần 1Phần 2Phần 3, Phần 4, Phần 6

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *