Giữa thời công nghệ đang nở rộ như hiện nay, sở hữu một chiếc smart phone hay cái máy tính bảng không phải là vấn đề – kể cả với một cậu nhóc đang tập đi. Một đứa trẻ đang được cha mẹ đút bột cũng sẽ biết cách tự vào Youtube để xem Masha và Medbed hay Tom và Jerry, tải về một vài game để chùi chùi màn hình và giải trí.
Nhưng, có khi nào một người trưởng thành lại không làm được những điều con nít ấy không?
Xét cho cùng, có thể khả dĩ “vận hành” được một chiếc smartphone giờ đây là sự sống còn, ít ra cũng không đến nỗi bị kẻ gian lừa cho như vịt những lỗi sơ đẳng, hơn nữa để làm việc, để kiếm tiền và… phát triển bản thân.
Tất cả chuỗi bài “Công nghệ thông tin và nỗi sợ” (6 phần), tôi đã đề cập đến các loại sợ. Túm cái váy lại, sợ là vì kém hiểu biết, là tụt hậu, là quan liêu…. Xét cho cùng, smart phone thời nay giản đơn hơn nhiều so với cái computer thời cách đây vài chục năm, nhưng khi đó rất nhiều cụ 70, 80 vẫn có thể hai ngón mổ cò tiếp cận được một cách không quá khó khăn.
Nhưng nghịch lý là ngày nay, “bộ não vĩ đại” của nhiều kẻ được giao quyền quản lý nhân sự nhưng không quản lý nổi cái smart phone của mình: không biết dùng MXH; không biết thanh toán, không biết mua hàng online; không biết dùng điện thoại check mail; lâu lâu lại bị lừa gạt những ca con nít… Chúng đang tiếp tục sợ, nhưng sợ hơn là chúng đang dùng cái quyền ngu dốt của mình để dọa nạt những người xung quanh, dọa nạt cấp dưới và cấm, và cấm ứng dụng công nghệ và cuộc sống và công việc.

Mặt bằng công nghệ là gì? Đại loại là có thể mần những việc như sau:
1. Biết smart phone của mình đang dùng loại gì (Samsung hay iPhone…), hệ điều hành gì (Android hay iOs…).
2. Biết cài app, cài đặt các thuộc tính cơ bản (lựa chọn notification phù hợp, chặn tin báo khi đang dự họp…).
3. Biết dùng các MXH phổ biến (Zalo, Facebook, Telegram…).
4. Biết thanh toán online, mua hàng trực tuyến.
5. Biết chuyển nhận tiền qua áp ngân hàng; biết thanh toán tại quầy bằng app; biết cho ăn mày, ăn xin mấy đồng lẻ bằng mã QR.
6. Biết phòng ngừa được các loại lừa gạt đang thịnh hành, hay nhiều người xung quanh mình từng mắc phải (để khỏi ngu thêm lần nữa). Và…
7. Không giấu dốt. Công nghệ hiện đã ác liệt lắm rồi nhưng chưa dừng lại; ở Việt Nam đã ghê rồi, thế giới còn kinh hơn nữa; không phải chỉ người làm khoa học phải rành, mà người nông dân cũng phải biết; không phải chỉ trong thời bình, mà cả với người lính khi tham gia chiến trận… Nghĩa là sẽ còn đầy cái mới, cái cần ứng dụng sẽ dội vào đầu ta. Đừng sợ, không biết thì học, cái gì mới ra thì bảo đứa biết chỉ cho, hay tự học. Chỉ cần không giấu dốt, một bà cụ 80 tuổi sẽ dùng được Zalo để chát chít với cháu chắt một cách phình phường, lâu lâu có thể tự post hình da mặt nhăn nheo lên account của mình cho con cháu ở xa chiêm ngưỡng, an tâm.
Nữa: bạn sẽ thấy có nhiều kẻ được cho mình cái quyền cấm dùng MXH hay gì gì đó. Đấy chính là biểu hiện của một kẻ “lọt khe công nghệ”. Hãy tránh xa, và đừng dại dột bàn luận gì với nó về công nghệ. Tự mình đi con đường của mình. Đừng mải ném đá một con chó nào đó xồ ra cắn mình, như thế sẽ không đi hết chặng đường cho kịp: Chó cứ sủa, trăng cứ trôi, và người thì cứ đi./.
Xem thêm: CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ NỖI SỢ Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6