Tổng quan (Su-35):
– Tổ lái: 1 người
– Chiều dài: 21,9 m
– Sải cánh: 15,3 m
– Chiều cao: 5,90 m
– Diện tích cánh: 62,0 m²
– Trọng lượng rỗng: 17.500 kg
– Trọng lượng cất cánh: 25.300 kg
– Trọng lượng cất cánh tối đa: 34.500 kg
– Động cơ: 2× Lyulka AL-35F
– Lực đẩy thường: 7.600 kgf (74.5 kN) mỗi chiếc
– Lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội: 14.500 kgf (142 kN) mỗi chiếc
– Vận tốc cực đại: Mach 2.25 (2.410 km/h)
– Tầm bay: 3.600 km (1.940 hl)
– Tầm bay tuần tiễu: 4.500 km (2.430 hl) với thùng nhiên liệu phụ
– Trần bay: 18.000 m
– Vận tốc lên cao: trên 280 m/s
– Lực nâng của cánh: 408 kg/m²
– Tỉ lệ lực đẩy/trọng lượng: 1,1
– Vũ khí:
Tải trọng vũ khí khi mang đầy nhiên liệu là 4 tấn vũ khí, tải trọng tác chiến thông thường là 8 tấn vũ khí, tải trọng vũ khí tối đa lên tới 12 tấn vũ khí (tải trọng chiến đấu là lượng vũ khí tối đa mà máy bay có thể mang theo mà vẫn có thể tác chiến hiệu quả, còn tải trọng tối đa là lượng vũ khí lớn nhất mà máy bay có thể mang theo khi cất cánh (nhưng không thể tác chiến hiệu quả do tầm bay bị rút xuống quá ngắn), vì vậy cùng 1 máy bay thì tải trọng tối đa luôn lớn hơn khá nhiều so với tải trọng tác chiến)
+ 1 × pháo GSh-30 30 mm với 150 viên đạn
+ 2 × giá treo đầu cánh cho tên lửa không đối không R-73 (AA-11 “Archer”) hoặc thiết bị ECM
+ 12 × giá treo ở cánh và thân cho 8.000 kg vũ khí, bao gồm:
Tên lửa không đối không (AA):
+ AA-12 Adder (R-77)
+ AA-11 Archer (R-73)
+ AA-10 Alamo (R-27)
Tên lửa không đối đất và đối hải (AS):
+ AS-17 Krypton (Kh-31)
+ AS-16 Kickback (Kh-15)
+ AS-10 Karen (Kh-25ML)
+ AS-14 Kedge (Kh-29)
+ AS-15 Kent (Kh-55)
+ AS-13 Kingbolt (Kh-59)
Bom:
+ KAB-500L
+ KAB-1500 bom dẫn đường bằng laser/TV
+ FAB-100/250/500/750/1000.
Sukhoi Su-35 (trước đây có tên gọi là Su-27M) (tên NATO: Flanker-E+) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, chiếm ưu thế trên không thế hệ 4 hiện đại được phát triển bởi hãng Sukhoi. Do có các đặc trưng và thành phần của máy bay giống với Su-30MKI, Sukhoi Su-35 được xem như là người anh em với Sukhoi Su-30MKI, một phiên bản nâng cấp đặc biệt của Su-30. Su-35 được phát triển xa hơn nữa, và kết quả là Su-35BM, về sau thường được biết với tên chính thức là Su-35S. Su-35 hiện đang phục vụ trong Không quân Nga, Trung Quốc và Ai Cập.
Chương trình thử nghiệm T10-24 đã được xây dựng từ năm 1985. Các chuyến bay kiểm tra đã cất cánh vào năm 1988. Nguyên mẫu đầu tiên đã được trưng bày công khai vào năm 1992 ở Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough. Máy bay có tên gọi ban đầu là Su-27M (T-10S-70), nhưng sau đó đã đổi thành Su-35, dù tên gọi Su-27M vẫn còn tồn tại trong hệ thống tên gọi của quân đội Nga. 11 nguyên mẫu đã được chế tạo đến năm 1994. Nó bắt đầu phục vụ thử nghiệm trong không quân Nga vào năm 1995. Sau đó một phiên bản cải tiến khác từ Su-35 là Su-37 ‘Flanker-F’ đã được phát triển song song và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 1996. Su-35 hiện nay chỉ được sản xuất cho Không quân Nga. Mới đây Su-35 đã xuất hiện trong triển lãm hàng không MAKS-2007 International Aviation and Space Salon vào tháng 8/2007.
Su-35 có cánh lớn và động cơ có công suất lớn hơn với các loại khác của dòng Su-27, Su-33 ‘Flanker-D’ và Su-35 có cùng kiểu cánh lớn và động cơ công suất lớn. Các thay đổi khác từ Su-27 và Su-30 là các cánh mũi, mũi máy bay lớn hơn, sử dụng nhiều hơn vật liệu sợi các bon, và hợp kim lithium-nhôm trong cấu trúc thân, đồng thời các cánh đuôi có hình vuông hơn và rộng hơn. Phần đầu có một rada quét mảng pha điện tử bị động cải tiến. Máy bay đã được cập nhật công nghệ điện tử hàng không và các hệ thống điện tử, bao gồm hệ thống lái số fly-by-wire và 1 radar tìm kiếm-khóa mục tiêu (lock down-shoot down) ở phía sau để bắn các tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động. Nó có hệ thống tiếp nhiên liệu trên không.
Một số bộ phận và tổng thành đơn lẻ của tiêm kích Su-35 đang được sản xuất ở nước ngoài, trong đó có Ukraine. Ở đó, toàn bộ thiết bị điện tử trên khoang được chế tạo dựa trên linh kiện nước ngoài. Theo Nhật báo Gazeta (Nga) hồi đầu năm 2015, kế hoạch trang bị thêm tiêm kích Su-35 vào cuối năm 2015 của Nga rất có thể không hoàn thành do thiếu nguồn cung cấp linh kiện.
Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 vào giữa thập niên 2000 để đưa Su-35 thành một máy bay tiêm kích thế hệ 4.5 hiện đại, tận dụng các công nghệ hiện tại đã có. Su-35 hiện đại hóa sẽ được thiết kế tạm thời cho đến khi máy bay thế hệ thứ 5 PAK FA (T-50) được đưa vào hoạt động. Chiếc Su-35 hiện đại hóa đầu tiên mới đây đã được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS-2007 vào tháng 8/2007. Phiên bản Su-35 mới bay lần đầu vào ngày 19/2/2008. Phiên bản này bay giờ đang được sản xuất để cung cấp cho khách hàng bắt đầu vào năm 2009. Su-35 hiện đại hóa được gọi là “Su-35BM” (BM là viết tắt của Bolshaya Modernizatsiya – Hiện đại hóa lớn).
Su-35 mới bỏ đi cánh mũi và cánh tà hãm tốc độ từ thiết kế ban đầu của Su-35. Thiết kế mới có một khung máy bay gia cố nhằm tăng tuổi thọ và có một radar nhỏ hơn ở phía trước. Su-35 hiện đại hóa có phần múi mới, trong đó chứa một radar quét mảng pha điện tử bị động cải tiến và máy bay cũng được nâng cấp hệ thống điện tử hàng không và các hệ thống điện khác, bao gồm hệ thống lái số fly-by-wire và radar quét sau để điều khiển tên lửa SARH. Hệ thống đẩy véc tơ 2 chiều không đối xứng đã được thử nghiệm trên Su-35 và có vẻ như sẽ làm cơ sở để phát triển Su-37.
Su-35 có động cơ đẩy véc tơ 3D mới có tên gọi 117S, đã được phát triển và thay thế các động cơ AL-35 hay AL-31F hiện có. Động cơ 117S sử dụng công nghệ tua bin áp suất thấp và tua bin cao áp tiên tiến, đồng thời đã sử dụng hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D. Những công nghệ mới này làm cho lực đẩy tổng thể của động cơ này tăng vọt 16%. Tuổi thọ sử dụng động cơ 117S là 4.000 giờ, hơn gấp đôi động cơ cùng loại. Thời gian cách nhau giữa hai lần đại tu là 1.000 giờ, cũng gấp đôi sản phẩm cùng loại, điều này đã đóng góp to lớn cho năng lực điều động và thời gian tác chiến của Su-35.
Tuổi thọ khung thân của Su-35 cũng được nâng cao so với các tiền nhiệm của nó. Những chiếc Su-27 được chế tạo từ đầu những năm 1980 dự kiến có tuổi thọ bay là hơn 3.000 giờ bay, những chiếc Su-30MKI xuất khẩu cho Ấn Độ (chế tạo vào thập niên 2000) có tuổi thọ bay đạt 6.000 giờ, trong khi Su-35 cũng đạt 6.000 giờ bay (cần lưu ý là có sự khác biệt trong cách tính tuổi thọ giữa Nga và phương Tây. Quân đội Nga tính tuổi thọ khung thân máy bay bằng cách tính thời điểm “từ khi sản xuất đến khi phải thay thế một số bộ phận bị hao mòn”, trong khi phương Tây tính tuổi thọ khung thân máy bay “từ khi sản xuất đến khi toàn bộ máy bay bị hao mòn không thể sửa chữa được nữa”. Ví dụ như loại F-16 Fighting Falcon của Mỹ theo cách tính của phương Tây sẽ có tuổi thọ bay khoảng 8.000-12.000 giờ, nhưng nếu tính theo cách của người Nga thì chỉ đạt 4.000 giờ bay).
Bên ngoài Su-35 rất giống Su-27 nhưng bên trong hoàn toàn khác. Su-35 được trang bị 2 động cơ AL-41F1S (117S) có khả năng đẩy vector với lực đẩy mỗi động cơ khi sử dụng chế độ đốt sau là 142,2 kN cao hơn 16% so với Su-27. Su-35 được trang bị động cơ phụ ТА14-130-35 để cấp nguồn cho các hệ thống trên khoang. Cấu trúc Su-35 sử dụng các vật liệu mới. Dự trữ nhiên liệu là 11,5 tấn, nhiều hơn 22% so với ở Su-27.
Radar có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung với đầu dò chủ động. Có thể bắn hai mục tiêu đồng thời bằng các tên lửa với đầu dò bán chủ động, nhưng nó đòi hỏi radar phải chỉ điểm mục tiêu trong một thời gian.
Tuy nhiên, Đài Phát thanh Trung Quốc trong một bài báo năm 2014 cho rằng Su-35 có một số điểm yếu khi so sánh với tiêm kích Trung Quốc. Radar Irbis-E trên thực tế chỉ là radar mảng pha quét điện tử bị động (PESA), trong khi đó, các máy bay J-10B của Trung Quốc đã được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AESA tân tiến hơn. Su-35 có hạn chế do được thiết kế theo tư tưởng tác chiến cự ly gần trong khi hiện nay nhiều cuộc không chiến là ngoài tầm nhìn (BVR). Tuy nhiên, các bài báo này cũng trích dự đoán của chuyên gia Trung Quốc và đưa ra kết luận như sau: “Tính năng của máy bay chiến đấu Su-35 đã vượt tất cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm máy bay chiến đấu Rafale Pháp và máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của châu Âu và cũng có thể đối đầu hiệu quả với máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor của Không quân Mỹ”.
Radar mảng pha Irbis-E có khoảng cách dò tìm đạt tới 400 km với mục tiêu có độ tán xạ radar (RCS) là 3 m2 (tương đương máy bay F-16) với mục tiêu có độ tán xạ radar là 0,01 m2 (tương đương máy bay tàng hình) phạm vi dò tìm đạt 90 km.
Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST, đây là tiêu chuẩn trang bị của hầu hết máy bay tác chiến Nga. Hệ thống IRST của Su-35 là OLS-35, hệ thống này một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90 km (phần đuôi mục tiêu) và 50 km (phía trước mục tiêu). Nhờ hệ thống này, Su-35 có thể âm thầm công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm, đây là một yếu tố quan trọng trong những chiến thuật kiểu tấn công bất ngờ: việc bật radar dò tìm sẽ khiến máy bay phát ra tín hiệu điện từ, các thiết bị cảnh báo của đối phương có thể sẽ dò ra nguồn phát và khiến cuộc công kích mất đi tính bất ngờ, trong khi đó thiết bị IRST hoạt động mà không phát ra nguồn tín hiệu nào nên máy bay đối phương sẽ không thể dò thấy.
Hệ thống ngắm quang điện tử không đối đất có thể dùng hồng ngoại và laser, cũng như nếu mục tiêu đã bị chỉ điểm bằng laser từ đâu đó thì vũ khí từ máy bay có thể tự tìm đến mục tiêu đó. Hệ thống nhắm có thể đồng thời khóa và chỉ thị cùng lúc 4 mục tiêu ở mặt đất. Với trang bị hệ thống phòng vệ trên khoang tốt hơn hơn. Hệ thống hồng ngoại dò báo động tên lửa đang khóa máy bay với 6 cảm biến bố trí ở trước thân máy bay để dò bao quát mọi góc độ. Hệ thống có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai kích hoạt trong phạm vi 10 km và tên lửa không đối không ở khoảng cách 30 km, tên lửa đất đối không trong bán kính 50 km. Hai cảm biến dò laser được bố trí ở hai bên phần đầu của máy bay. Hệ thống có thể phát hiện các máy chiếu laser ở khoảng cách 30 km.
Theo nguồn tin trích lại từ Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” (The Voice of Russia – Голос России) thì với động tác kỹ thuật siêu đẳng mà không một loại máy bay nào trên thế giới hiện nay có thể làm được, các chuyên gia phương Tây đã phải kinh ngạc thốt lên: “Đây không phải là máy bay mà là UFO”!
Vào tháng 7/2008, Nga đã giới thiệu Su-35 cho Ấn Độ, Malaysia và Algérie. Chính phủ Venezuela cũng biểu thị mối quan tâm đến việc mua vài chiếc Su-35.
Theo bộ phận truyền thông của hãng Sukhoi thì máy bay S-35/Su-35S đạt được đặc tính bay tốt hơn so với các máy bay chiến đấu tương tự của phương Tây nhưng máy bay Su-35 đã bị các đối thủ Rafale của Dassault (Pháp), F/A-18 E/F Super Hornet của Boeing (Mỹ) và JAS-39 Gripen do Saab (Thụy Điển) sản xuất loại khỏi vòng đấu thầu cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ mới cho Không quân Brazil.
Nga đang đặt hy vọng lớn sẽ sản xuất được khoảng 200 chiến đấu cơ đa năng tiên tiến Su-35, trong đó gồm 100 chiếc cho xuất khẩu. Tổng Giám đốc Hiệp hội Hàng không Quốc gia Nga (UAC) Mikhail Pogosyan dự đoán công ty sản xuất máy bay Sukhoi sẽ nhận được đơn hàng cung cấp khoảng 200 máy bay loại này, chia đều với tỷ lệ 50:50 cho trong nước và xuất khẩu.
Trên thực tế, triển vọng xuất khẩu Su-35 không lạc quan, số lượng Su-35 được xuất khẩu sẽ không thể so sánh với Su-27 và Su-30. Các nước Đông Âu đã không còn mua máy bay tiêm kích của Nga, tiềm năng cung ứng Su-35 cho các nước đang phát triển cũng bị hạn chế, bởi vì định vị thị trường này rất phức tạp, các nước có phương hướng mua sắm khác nhau.
Trong vài năm tới, Ấn Độ còn tiếp tục mua và sản xuất (có giấy phép) Su-30MKI nhưng trang bị thiết bị điện tử do họ tự sản xuất chứ không dùng hàng Nga, Malaysia sẽ mua máy bay chiến đấu cải tiến Su-30MKM sử dụng thiết bị của Nga và Pháp. Do hai loại máy bay này đều rất tiên tiến, về tính năng có thể gần tương đương Su-35, vì vậy Ấn Độ và Malaysia chưa chắc đã nhập khẩu Su-35, từ đó giảm mạnh tiềm năng xuất khẩu Su-35. Algérie và Venezuela sẽ nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30MK2 và Su-30MKA không tiên tiến lắm, từ đó có nghĩa là trọng điểm chi tiêu quân sự của những nước này đang chuyển hướng tới các chương trình khác.
Hàn Quốc sẽ tiếp tục mua máy bay chiến đấu F-15K của Mỹ, trong chương trình mời thầu mua sắm máy bay mới của Không quân Hàn Quốc cơ bản không có vị trí của Su-35. Ả Rập Xê Út cũng ưu tiên mua máy bay chiến đấu của châu Âu. Nước có tiềm năng tương đối lớn trong việc nhập khẩu Su-35 là Brazil thì trong giai đoạn cuối cùng mời thầu mua sắm đã không lựa chọn Su-35.
Thị trường các nước Trung Đông dành cho máy bay tiêm kích Nga cũng tương đối hạn chế, khách hàng tiềm năng của họ là Libya, Syria, Iran nhưng đa số các nước Trung Đông này đã hoặc đang lâm vào chiến tranh, không còn khả năng tài chính để mua máy bay mới. Còn với thị trường châu Phi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nga là Trung Quốc (máy bay của Trung Quốc tuy có tính năng thấp hơn nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều). Trong khi đó, thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á, như Indonesia và Việt Nam thì có hứng thú lớn hơn với Su-35, bởi vì những nước này không sẵn sàng mua máy bay tiêm kích của Trung Quốc hoặc phương Tây. Nhưng do những nước này hiện đang mua máy bay tiêm kích dòng Su-30, vì vậy đơn đặt hàng Su-35 tương lai có thể sẽ bị hạn chế. Tóm lại, các số liệu phân tích cho thấy, triển vọng xuất khẩu Su-35 trong tương lai gần là không lạc quan, tiềm năng xuất khẩu của nó cơ bản không thể so sánh với Su-27 và Su-30.
Su-35 đã được chào bán cho Trung Quốc từ năm 2006 nhưng Trung Quốc không quan tâm đến việc mua số lượng lớn các biến thể của Su-27 do họ đã bắt đầu sản xuất các biến thể Su-27 không giấy phép. Trung Quốc muốn mua một lô nhỏ Su-35 (4-6 chiếc) hoặc thậm chí là một số hệ thống lắp trên Su-35 như radar Irbis hay động cơ AL-41FS. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng bán cho Trung Quốc nhưng không dưới 48 chiếc. Nhưng khi kết quả thử nghiệm động cơ nội địa của Trung Quốc không khả quan lắm thì việc Trung Quốc đề nghị mua Su-35 gây nghi ngờ là để lấy động cơ sao chép và mang qua J-20.
Báo Độc lập Nga cho biết, trong các cuộc đàm phán về thương vụ mua bán đã đạt được những tiến triển rất khả quan. Cuộc đàm phán về thương vụ Su-35 giữa Nga và Trung Quốc đã trải qua một thời gian khá dài để thương thảo. Trong khi Nga kiên quyết Trung Quốc phải mua ít nhất 48 chiếc thì mới đồng ý bán còn Bắc Kinh lại muốn xé nhỏ hợp đồng như trước đây để thừa cơ hội sao chép công nghệ. Nhưng các nhà hoạch định xuất khẩu vũ khí Nga đã lên kế hoạch chỉ xuất khẩu số lượng động cơ thế hệ AL-41F cân đối với tỷ lệ Su-35 và không có điều khoản kèm theo về điều kiện mua thêm động cơ trong hợp đồng đó. Và để cho Trung Quốc hai lựa chọn là nhập khẩu nhiều máy bay chiến đấu Su-35 hơn, hai là tiến hành đàm phán độc lập, ký kết hợp đồng khác, nhập khẩu động cơ AL-41F, giá cả đương nhiên là khác.
Tờ Huanqui của Trung Quốc trích dẫn từ Đài Tiếng nói nước Nga hôm 25/6/2013 cho biết, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận xuất khẩu vũ khí bao gồm 100 chiến đấu cơ Su-35 tại triển lãm hàng không Paris Air Show. Ria Novosti dẫn lời Konstantin Makienko, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, tăng trưởng xuất khẩu của ngành Hàng không Quân sự Nga trong tương lai gần phụ thuộc vào các hợp đồng bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc.
Theo tạp chí “Cất cánh” Nga, từ năm 2005 trở đi, Công ty Sukhoi đã lập văn phòng ở Bắc Kinh, ra sức tiếp thị Su-35S nhưng những năm gần đây, sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với máy bay của Sukhoi giảm xuống, khách hàng lớn chỉ còn lại Ấn Độ. Su-35S các nước nhỏ hoặc không đủ ngân sách để mua, hoặc không đủ khả năng để sử dụng được nên Nga phải nỗ lực ra sức tiếp thị máy bay chiến đấu Su-35S cho Trung Quốc. Truyền thông Nga cho rằng sở dĩ tập trung chào bán Su-35S là muốn thông qua Trung Quốc gây ảnh hưởng đến các nước như Ấn Độ, Việt Nam buộc các nước này cũng phải mua sắm, thậm chí phải mua T-50 của Nga.
Năm 2016, Trung Quốc đã đồng ý mua 24 chiếc Su-35 kèm theo đầy đủ vũ khí trang bị, trị giá hợp đồng là 2,8 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc đã chi hơn 116 triệu USD cho 1 chiếc Su-35 đầy đủ trang bị.
Năm 2018, Ai Cập đã ký hợp đồng mua 20-24 chiếc Su-35 kèm theo vũ khí và phụ tùng, trị giá hợp đồng là 2 tỷ USD.
Các phiên bản
Su-27M/Su-35
Máy bay tiêm kích một chỗ.
Su-35UB
Máy bay tiêm kích và huấn luyện hai chỗ.
Su-35S
Trước đây mang tên Su-35BM, phiên bản dành riêng cho Không quân Nga. Máy bay tiêm kích một chỗ với hệ thống điện tử nâng cấp và những cải tiến khác ở thân máy bay (như bỏ cánh mũi), trang bị động cơ chỉnh hướng phụt 3D.
Quốc gia sử dụng
– Nga, Liên Xô
– Trung Quốc./.