“TU”, trước tiên là tu thân, tự mình giác ngộ, sống có đạo hạnh, trí huệ, tự mình ÂM THẦM trở lên một tấm gương. Tu là chiến thắng bản thân, sống hòa hợp với thiên nhiên, không gây hại cho chúng sinh, không lệ thuộc vào vật chất, chức tước, địa vị.
Vì sao phải tu? Để bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi diệt vong “sớm” (nói SỚM là bởi vì chắc chắn sẽ diệt vong theo luật tắc VÔ THƯỜNG), con người và mọi vật nên bình đẳng, dựa vào nhau để tồn tại, không có loài này quá ức hiếp loài khác, không để một loài giành độc quyền đứng trên muôn loài, tác oai tác quái, đặc quyền đặc lợi. Nhất là ngày nay, khi con người một cách ngạo mạn, ngáo đá, đã tỏ ra làm chủ hành tinh, gây chiến liên miên, oánh quả bom hủy hoại cả một thành phố, giết chết cả trăm ngàn người. Con người đã làm chủ hành tinh này ư? Thật là ảo tưởng! Vài quả bom nguyên tử có mạnh bằng con virus Vũ Hán không, khi mà loài còn chưa phải là sinh vật này có thể giết phát mấy chục triệu người, không phải ở chỉ một vài thành phố mà là toàn cầu. Cuộc chiến của con người với muôn loài, ai thắng, ai thua, hồi sau sẽ rõ, nhưng có thể đoán được.
Bàn về chữ TU, xưa và nay đều có người thực hành, bằng nhiều phương cách khác nhau, nhưng nay có mấy điều đã khác. Ví như trong đạo Bụt, Đức Buddha (gọi theo cách người Tàu là Phật) khi xưa đi chân trần, y áo không quá 3 bộ, không dùng xe có động vật kéo, ngày dùng 1 bữa cúng dường trước Ngọ. Buddha cũng vậy mà đại đa số đệ tử của Buddha cũng vậy, các vị được gọi chung là tì kheo và tì kheo ni.
Ngày nay, nhiều người núp bóng Đức Buddha, khoác y áo tu hành, cũng có khi chân trần nhưng là chỉ để khi có sự kiện, khi được lăng xê, quay phim, còn lại thì thường là đi những đôi giày đắt tiền, sang chảnh.
Ngày nay, sư sãi không ít kẻ áo xống xa hoa, đắt tiền, không phải nâu sòng mà là silk nhập ngoại; dùng điện thoại smart-phone loại xịn nhất, có kết nối internet xem được hết thảy mọi thứ, mọi lúc; đi xe xịn nhất, ô-tô chứ không phải xe thô sơ, mà có khi xe máy cũng là SH hoặc siêu xe đại loại như thế.
Ngày nay, sư có loại khất thực, nhận cúng dường bằng tiền, hốt nhanh, gọn, rảo bước như chạy.
Ngày nay, sư sãi ngự giường êm, tọa ngai xịn, phòng điều hòa, tiền thu theo hòm, theo kí-lô, nơi thờ tự siêu to khổng lồ, hoành tráng, xa hoa.
Tu như vậy không phải gò mình vào khuân phép mà là để hưởng thụ vật chất. Tu mà như là hành nghề để kiếm ăn vậy, bất chấp dư luận, bất chấp đạo đức, bất chấp nhân tính, không sợ nghiệp quả.
Vậy nên, đập vào mắt người dân thời nay, nhiều hàng tăng lữ có cuộc sống “tu hành” cực đỉnh và xịn xò, người không đi tu có khi phấn đấu vật vã cũng khó mà theo được. Một cách trái ngoe, mặt bằng của sư sãi cao hơn người dân rất rất nhiều về lối sống đời hưởng thụ.
Tuy nhiên, làm biến thái các hình thức tu hành vốn rất trí huệ này, cũng phải tính đến sự tiếp tay của lũ người thế tục xằng bậy, cơ hội: đút tiền vào tay tượng, mua chuộc sư sãi bằng vật chất, buôn thần bán thánh, kinh doanh trên các công trình hoành tráng có kiểu cách giống như nơi thờ tự, phụng vụ; dùng miệng lưỡi tuyên truyền thúc đẩy sai trái…
Đạo Phật thời đại ngày nay làm gợi lại lời Buddha đã cảnh báo – thời “mạt pháp”. Vẫn thấy bóng dáng y áo của giới tu hành, nhưng tinh thần đạo Bụt đã biến thái, không chỉ vài ba tông phái mà trăm hoa đua nở muôn hình vạn trạng. Người ta đặt đó tượng Đức Ngài nhưng việc làm thì không có gì theo cách Ngài đã chỉ dạy. Thiết nghĩ, chuẩn một đạo pháp, chỉ nên có một con đường duy nhất, nếu có từ hai thì đã có vấn đề rồi. Tam sao thất bản, lắm thầy rối ma. Nói gì 3-4-5-6…
Trong lịch sử Đại Việt, đã có thời tăng lữ được nuông chiều thái quá, sư sãi đông hơn dân chúng nhưng thiếu học, được cúng dường hậu hĩnh, chùa chiền quá nhiều không thể quản lý nổi; cùng với các thành phần bất hảo trà trộn vào tăng đoàn làm mất thanh danh… đến nỗi triều đình phải có giải pháp mạnh tay dẹp bớt.
Ngày xưa và nay, và sau này, chỉ người trí mới nhận ra được chân tu. U minh, VÔ MINH thì đương nhiên lầm đường lạc lối và thậm chí bị kẻ xấu dắt mũi!
Thứ triết học của Buddha 2500 trước, giờ đã khác lắm rồi!