Khác với các vị “giáo chủ” khác, có thời gian tại thế không lớn (Chúa Jesus chịu đóng đanh trên thập giá khi trạc 30 tuổi; Muhammad viên tịch khi khoảng 62 tuổi…), Đức Buddha có thời gian thuyết pháp lâu nhất (khoảng 45 năm, tại thế khoảng 80 năm) liên tưởng đến một số lượng khổng lồ kinh điển. Có điều, những lời Buddha răn dạy trong chừng ấy năm hoàn toàn là truyền miệng, và chỉ được ghi lại thành “sách” cho tận đến khoảng 450 năm sau khi Ngài nhập niết bàn.
Lịch sử kết tập những lời răn dạy ấy, đến nay, có thể được ghi dấu như sau:
1. Kết tập Tam tạng lần thứ nhất (truyền khẩu)
Được triệu tập ở Rājagaha (Ấn Độ), chỉ 3 tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, do Ngài Kassapa chủ trì, Ngài Ānanda tụng đọc phần Kinh và Vi Diệu Pháp, Ngài Upāli tụng đọc phần Giới Luật.
2. Kết tập Tam tạng lần thứ hai (truyền khẩu)
Được triệu tập tại thành Vesāli (Ấn Độ), 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn.
3. Kết tập Tam tạng lần thứ ba (truyền khẩu)
Được triệu tập tại Pataliputta (Ấn Độ), 234 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, thời vua A-dục, người có công rất lớn trong lần kết tập này.
Như vậy, 3 cuộc kết tập kinh điển đầu tiên đều được tổ chức tại Ấn Độ, thời mà Phật giáo chưa chia thành tông phái (chưa chia thành Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa…). Về sau mới có sự phân chia tông phái. Rồi 2 tông phái chính nêu trên tổ chức các kỳ Kết tập Tam tạng riêng.
4. Kết tập Tam tạng Phật giáo Nguyên thủy lần thứ tư (ghi trên lá buông)
Tông phái Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu thừa) triệu tập lần thứ tư tại Aluvihāra (Sri Lanka), 450 năm sau khi Đức Phật Niết Bàn.
Từ kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ nhất đến lần thứ ba, Tam tạng được truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng cách truyền khẩu. Vào kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ tư ở Sri Lanka này, Tam tạng mới được viết trên lá buông.
5. Kết tập Tam tạng Phật giáo Nguyên thủy lần thứ năm (khắc lên bia đá)
Được triệu tập ở Mandalay (Miến Điện) bắt đầu vào năm 1871. Việc Kết tập kéo dài nhiều năm, trong kỳ Kết tập này, đầu tiên Tam tạng được viết trên lá buông sau đó được khắc lên những tấm đồng mỏng, rồi mới được khắc lên bia đá. Mỗi bia đá ghi khắc Tam tạng được đặt trong một căn nhà nhỏ bằng gạch. Mỗi căn nhà chỉ để một bia. Bia đá được khắc kinh trên cả hai mặt. Những tấm bia đá viết Tam tạng đặt trong những căn nhà nhỏ này đều được hướng về ngôi tháp Kutadagou (Kuthotaw) dưới chân đồi Mandalay. Đến nay tất cả các bia đá này đều còn nguyên, nhưng nhiều mặt bia đã bị phai mờ, nhiều căn nhà chứa bia đã bị hư hoại, đang được sửa chữa.
Những tấm bia ghi chép Tam tạng này chiều cao khoảng 1,5 m; rộng khoảng 1 m; dày khoảng 15 cm. Các Học giả Miến Điện gọi những tấm bia này là một cuốn sách bằng đá lớn nhất thế giới. Có tất cả 729 tấm bia, với tất cả 1458 trang bia đá (2 mặt).
6. Kết tập Tam tạng Phật giáo Nguyên thủy lần thứ sáu (in thành sách)
Sau thế chiến thứ hai, khi mà Miến Điện lấy lại độc lập, chính quyền Miến Điện Kết tập Tam tạng lần thứ sáu vào năm 1954 tại thủ đô Yangon. Và những kinh điển được Kết tập trong lần này được in thành sách bằng ngôn ngữ Pāli Miến. Như vậy, ở Miến Điện đã có cả Tam tạng bằng đá và Tam tạng bằng chữ viết lần đầu tiên viết lên giấy.
Chính quyền Miến Điện muốn có được một bộ Tam tạng kinh điển tiêu chuẩn cho Phật giáo Nguyên thủy. Bởi vậy, trong kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ sáu, họ đã mời các vị Trưởng lão của các xứ có Phật giáo Nguyên thủy về đây để Kết tập, bằng cách so sánh, đối chiếu lại tất cả các bộ Tam tạng trên thế giới, làm thành một bộ Tam tạng tiêu chuẩn cho Phật giáo Nguyên thủy. May mắn thay, khi đối chiếu lại các Bộ Tam tạng Nguyên thủy trên thế giới thì sự sai khác rất nhỏ. Mỗi trang chỉ sai khác một, hai chữ là nhiều; nhưng sự sai khác này chỉ sai khác về các từ nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. Trong kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ sáu này, Tam tạng được Kết tập luôn cả Chính Kinh cùng Chú Giải và Phụ Chú Giải, tất cả gồm có 118 cuốn. Việc Kết tập đến năm 1956 thì hoàn thành. Tam tạng được in ra bằng ngôn ngữ Pāli Miến.
7. Tam tạng Kết tập lần thứ sáu bằng Pāli Miến được chuyển thành Pāli Quốc tế (Pāli Roman) và ghi lên đĩa CD ROM cùng in thành sách.
Đến năm 1995, một hội đồng Kết tập được thành lập dưới sự hỗ trợ của Bộ Tôn giáo Miến Điện nhằm mục đích chuyển đổi từ tiếng Pāli Miến thành Pāli Quốc tế, đến tháng 4/2009 thì hoàn thành, được ghi vào đĩa CD ROM và đóng thành sách. Đây coi như là lần Tập kết thứ bảy (Phật giáo Nguyên thủy).
Trong thành phần Hội đồng lần này bao gồm cả các vị tu sĩ, nhân sĩ người Việt như Tỳ khưu Khánh Hỷ, Tỳ khưu Thiện Đức, Phật tử Tâm Minh Trần Minh Lợi (Việt kiều Mỹ), Tỳ khưu Tâm Đăng, Tỳ khưu Đức Hiền, Tỳ khưu Nguyên Tuệ./.