TỨ DIỆU ĐẾ

Tứ diệu đế (hay Bốn Chân Lý Cao Thượng) gọi tên trong tiếng Việt một cách ngắn gọn gồm: Khổ, Tập, DiệtĐạo.

Nguyên văn trong tiếng Pāli là Dukkha sacca, Samudaya saccaNirodha saccaDukkha nirodho gāmini padipadā sacca

Tứ diệu đế là giáo pháp quan trọng nhất của Phật Giáo. Là lời dạy đầu tiên của Đức Bụt ngay sau khi Ngài đắc đạo nhờ ngồi thiền 49 ngày dưới cội Bồ đề. Bất kỳ ai phải chứng đắc Bốn Chân Lý Cao Thượng thì mới Giác Ngộ.

5 người được Bụt giảng giải đầu tiên về Tứ diệu đế là 5 anh em Kiều Trần Như. Gọi là 5 anh em là vì 5 người này, lúc trước từng tu khổ hạnh với Đức Bụt. 6 người từng chung pháp tu này nhưng không đạt giác ngộ, Đức Bụt tách ra thực hành phép tu riêng và đạt hạnh quả. 5 vị đó (đều lớn tuổi hơn Đức Bụt) sau thành những đệ tử đầu tiên của Bụt, gồm: Kiều-Trần-Như (Kondanna), Bạt-Đề (Bhaddiya), Bà-Sư-Ba (Vappa), Ma-Ha-Nam (Mahanama) và A-Thuyết-Thị (Assaji).

Cũng lưu ý, chỉ sau khi đắc đạo, Thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Siddhārtha Gautama) mới được tuyên xưng là Bụt (Buddha). Buddha có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa khái quát, dễ nhớ nhất là “giác ngộ”. Cây được gọi tên là Bồ đề (Buddhi) cũng tương tự. Buddha trong âm tiếng Hoa gọi là Phật. Người Việt lúc đầu (từ Thế kỉ thứ II đến XIII) gọi là Bụt và chỉ bắt chước gọi là Phật khi quân Minh xâm chiếm nước ta.

Chân lý là gì? Chân lý là sự thật, vậy cái gì có thật thì là Chân lý, chỉ đơn giản thế thôi. Chân lý (Sự thật) không phải như trò ảo thuật trên sân khấu. Những gì ta thấy trong trò ảo thuật là không thật. Chân lý (Sự thật) không đánh lừa, hay làm ta lầm lẫn như ảo ảnh trên sa mạc. Trong những ngày nắng nóng, ta thấy “ảo ảnh” phía đằng xa và lầm tưởng đó là nước, nhưng khi đến gần thì “ảo ảnh” biến mất. Vậy Chân lý (Sự thật) không giống như ảo ảnh, gây ra sự lầm lẫn. Chân lý là Sự thật. Sức nóng của lửa là có thật, là Chân lý. Vật gì tiếp xúc với lửa sẽ bị đốt cháy hay nóng lên. Sức nóng của lửa này là Sự thật, là Chân lý.

Cao thượng là gì? Được gọi là “cao thượng” vì những Chân lý này được khám phá, được chứng ngộ hay được hiểu thấu bởi những bậc cao thượng. Trong đạo Bụt những ai đạt đạo quả được gọi là “bậc cao thượng”. Đó là Đức Bụt Toàn Giác, Đức Bụt Độc Giác hay A La Hán, kể cả những vị đạt đạo quả thấp hơn. Bốn Chân lý được Đức Bụt chỉ dạy được gọi là cao thượng vì được hiểu rõ, được chứng ngộ hay được hiểu thấu bởi những bậc cao thượng.

1. Chân lý đầu tiên: Dukkha

Dukkha thường được dịch là “khổ”. Nhưng chữ “khổ” không thể diễn tả trọn vẹn nghĩa của từ “Dukkha”. Trong chữ Dukkha do hai chữ “du” và “kha” ghép lại. Chữ “du” có nghĩa là “ti tiện” hay “hạ liệt”, “không giá trị”. Và “kha” có nghĩa là “trống không”. Cái gì ti tiện, hạ liệt, cái gì trống không là “dukkha”. Tại sao gọi hạ liệt vì nó gây ra nhiều hiểm nguy và đau khổ. Nó trống rỗng có nghĩa là nó trống vắng một thực thể trường cửu, trống vắng sự tốt đẹp, trống vắng sự vững bền, trống vắng niềm vui và lạc thú. Bởi vậy nó được gọi là “dukkha”, có nghĩa là cái gì “vừa hạ liệt vừa trống rỗng”.

“Du” cũng có nghĩa là “khó”, và “kha’ có nghĩa là “chịu đựng”. Dukkha là cái gì “khó chịu đựng”. Theo Đức Bụt, những gì ta gọi là “hạnh phúc” cũng là dukkha vì chúng không bền vững. Như vậy, chúng ta hiểu dukkha là: cái gì ti tiện, hạ liệttrống rỗng hay cái gì khó chịu đựng.

2. Chân lý thứ hai: Samudaya

Samudaya hay “dukkha samudaya”: Samudaya do ba chữ ghép lại. “sam”, “u”, và “aya”. “Aya” có nghĩa là “nguyên nhân”, “u” là “khởi sinh”, “sam” là “cùng đến” hay “phối hợp với cái gì”. Như vậy, samudaya có nghĩa là tạo nhân và phối hợp với những điều kiện khác làm khởi sinh sự đau khổ.

Có nhiều nguyên nhân làm khởi sinh sự khổ, nhưng nguyên nhân lớn nhất là “tham ái” và “vô minh“.

3. Chân lý thứ ba: Dukkha nirodha

Chân lý thứ ba là Chân lý về sự “chấm dứt khổ”. Tiếng Pāli là dukkha nirodha hay chỉ là nirodha. Chữ nirodha gồm hai chữ “ni” và “rodha”. Chữ “ni” có nghĩa là “không” hay “vắng mặt”, chữ “rodha” có nghĩa là “ngục tù”, hay “giam hãm”. “Ngục tù” hay “giam hãm” ở đây có nghĩa là ngục tù hay giam hãm trong vòng luân hồi tái sinh. Vậy nirodha có nghĩa là “không bị ngục tù” hay “không bị giam hãm trong vòng luân hồi tái sinh”, nghĩa là khi Giác Ngộ Niết Bàn thì sẽ không còn luân hồi sinh tử trong tương lai. Như vậy Chân lý thứ ba là Niết Bàn hay Diệt (nirodha).

Nirodha, cũng có nghĩa là “không khởi sinh nữa trong tương lai”, hay được dịch là “đoạn diệt”.

4. Chân lý thứ tư: Dukkha nirodho gāmini padipadāBát Chánh Đạo.

***

Như vậy, bốn Chân lý Cao Thượng là Chân lý về sự khổ, Chân lý về nguyên nhân của sự khổ, Chân lý về sự chấm dứt khổ và Chân lý về con đường đi đến nơi dứt khổ.

Bốn Chân lý Cao Thượng này không phải do Đức Bụt “sáng tạo ra” mà là Đức Bụt đã “khám phá ra”. Khi chưa có những vị Buddha xuất hiện trên thế gian thì bốn Chân lý này bị che kín trong lớp vô minh dày đặc. Khi Đức Phật xuất hiện, Ngài khám phá, thấu suốt, và làm hiển lộ bốn Chân lý này. Do khám phá, thấu suốt, chứng ngộ bốn Chân lý này, Ngài trở thành một vị Bụt. Sau đó, Đức Bụt làm hiển lộ bốn Chân lý này cho thế gian và Ngài chỉ dạy cho chúng sinh./.

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *