NGŨ UẨN

NGŨ UẨN

Ngũ uẩn, cũng gọi là Ngũ ấm, là 5 nhóm tượng trưng cho 5 yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”.

1. Sắc uẩn, chỉ sự nhận biết mình có thân và 6 giác quan hay còn gọi là lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng (đất, nước, gió, lửa) tạo thành.
Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng. Cái biết của sắc uẩn gọi là sắc thức, là 6 dạng ý thức liên hệ tới 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sắc thức phụ thuộc vào 6 căn tiếp xúc với 6 trần để hình thành nên 6 thức.

Thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, nên gọi là sắc.
Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn.

2. Thọ uẩn, tức là toàn bộ các cảm giác, cảm nhận sự thay đổi chung quanh, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.

Thế nào gọi là thọ? Ðược cảm thọ, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ phi khổ phi lạc.

3. Tưởng uẩn, là nhận biết sự khác biệt, như là màu này khác màu kia, mùi này khác mùi kia…

Thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng.

4. Hành uẩn: Hành là ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước 1 quyết định. Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác. Gồm: Thân hành, Khẩu hành, Ý hành.

Thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành hữu vi nên gọi là hành.
Làm cho hiện hành hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, thọ với thọ tánh, tưởng với tưởng tánh, các hành với hành tánh, thức với thức tánh.

5. Thức uẩn, là sự nhận thức nhờ mặc định. Mặc định cái này chua, mặc định cái kia đắng, mặc định cái nọ màu đỏ, mặc định cái kia nóng, cái này lợi, cái kia không lợi…

Đây cũng là bước chuyển tiếp của tưởng uẩn và hành uẩn, từ sự cảm nhận sự khác biệt rồi suy tư cân nhắc xem mức độ khác biệt như thế nào, cho đến định nghĩa sự khác biệt bằng những danh từ hay tên gọi cho từng sự vật, sự việc, hiện tượng…

Thế nào gọi là thức? Rõ biết, nên gọi là thức.
Rõ biết gì? Rõ biết chua, đắng, cay, ngọt, chất kiềm… Rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn.

Ngũ uẩn cũng được gọi là 5 ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngãKhổ.

Tính chất khổ và vô thường của 5 uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo.

Khổ xuất phát từ lòng ham muốn, không hiểu sự vô thường của ngũ uẩn, không chắc thật của các uẩn đó.

Con người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái “ta” thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã).

Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát./.

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *