ĐÁ XU-BI (SU-BI)

Tọa độ: 10°55′25″B, 114°05′5″Đ (Tọa độ Google Map)

Đá Xu Bi (tiếng Anh – Subi Reef; tiếng Trung – Zhǔbì jiāo; Hán-Việt – Chử Bích tiêu), là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Thị Tứ (Philippines chiếm đóng) khoảng 26 km về phía Tây Nam.

Đá Xu Bi là của Việt Nam, hiện Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát từ năm 1988 đến nay.

Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố có chủ quyền.

Chiều dài tính theo trục Đông Bắc-Tây Nam là khoảng 5,7 km và nơi rộng nhất của vụng biển là hơn 3,7 km. Tổng diện tích của nó bao gồm cả đầm phá và vành đai của rạn san hô là 16 km2, và đầm phá sâu tới 22 m.

Từ khi chiếm đóng đến đầu năm 2015, Trung Quốc đã phát triển nó thành một hòn đảo rộng 3,95 km2; xây dựng 1 kênh phao dẫn tàu đến đầm phá bên trong có đường kính 3,7 km; 1 tòa nhà 4 tầng; 2 doanh trại cho quân lính (ước tính năm 2014 có 200 binh sĩ đóng tại đây); 1 trạm quan sát thời tiết với radar thời tiết doppler; 1 cầu cảng lớn; 1 đường băng 3.250 x 55 m – dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông.

Vào tháng 4/2016, 1 ngọn hải đăng mới cao 55 m bắt đầu hoạt động. Một chuyến bay thử nghiệm dân dụng đến sân bay mới đã được thực hiện bởi một máy bay phản lực chở khách của Hãng hàng không Hainan vào ngày 13/7/2016.

Vào tháng 4/2015, một máy bay của Hải quân Philippines đang tuần tra gần bãi đá ngầm đã nhận được “hành động gây hấn” từ một tàu Trung Quốc. Cũng trong năm 2015, tàu USS Lassen (Mỹ) đi trong phạm vi 12 hl từ rặng san hô, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động này là “hành động khiêu khích” và thề sẽ tiếp tục bồi đắp ở Biển Đông.

Vào tháng 11/2015, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay trong không phận gần khu vực này, đã được liên lạc với bộ phận kiểm soát mặt đất của Trung Quốc, nhưng tiếp tục hoạt động và phớt lờ cảnh báo.

Vào ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài đặc biệt UNCLOS trong vụ kiện của Philippines kiện Trung Quốc xác nhận rằng đá Su-bi, không tạo ra quyền đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, nhưng nằm trong phạm vi 12 dặm tính từ vùng thủy triều cao, bãi cát trên các rạn san hô phía tây đảo Thị Tứ.

Vì đá Su-bi nằm dưới mặt nước nên nó được Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về Luật Biển (UNCLOS III) coi là “đáy biển” trong “vùng biển quốc tế”. Mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS III hạn chế không cho phép tàu chiến tùy ý đi qua, theo UNCLOS III, các công trình được xây dựng trên đáy biển không thể có lãnh hải.

Đài CNBC của Mỹ ngày 2/5/2018 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên ba thực thể Đá Chữ Thập, Xu Bi, Đá Vành Khăn./.

Đá Xu Bi – 7.2018
Đá Xu Bi – 2015

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *