ĐÁ VÀNH KHĂN

Tọa độ: 9°54′10″B, 115°32′11″Đ (Tọa độ Google Map)

Đá Vành Khăn (tiếng Anh – Mischief Reef(*); tiếng Trung – Měijì jiāo; Hán-Việt – Mĩ Tế tiêu) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 55,4 hl (102,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Có hình dạng hơi tròn với đường kính khoảng 4 hải lý (7,4 km). Đa phần đá Vành Khăn chìm dưới nước. Vụng biển (phá) của Vành Khăn sâu từ 18,3 đến 29,2 m. Phần phía TN của vụng thì an toàn cho việc neo đậu trong khi phần ĐB lại đầy đá san hô lởm chởm với độ sâu chỉ 1,8 m.

Đá Vành Khăn của Việt Nam, nhưng Philippines tuyên bố có chủ quyền. Trung Quốc kiểm soát đá này từ tháng 2/1995, gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị với Philippines.

Trước năm 1995, đá Vành Khăn thuộc quyền kiểm soát của Philippines. Hiện không có tài liệu ghi lại Philippines chiếm đá Vành Khăn từ năm nào, nhưng chắc chắn là sau năm 1956 (trước đó Philippines chưa từng tuyên bố chủ quyền ở hòn đảo nào thuộc Trường Sa) và trước năm 1975 (thời điểm Philippines đã giành được tổng cộng 8 đảo/đá từ tay Hải quân Việt Nam Cộng hòa).

Tháng 2/1995, Trung Quốc điều 7 tàu đến đá Vành Khăn, bắt giữ và trục xuất các ngư dân Philippines tại đây. Sau đó nước này cho xây dựng những cấu kiện hình đa giác dựng trên những cột thép, đĩa vệ tinh và cắm cờ Trung Quốc.

Khi Philippines lên tiếng phản đối, Trung Quốc đáp lại rằng việc chiếm đóng là “do cấp dưới ra lệnh và thực thi” mà “không thông báo hay xin phép chính phủ Trung Quốc”. Philippines kêu gọi giải quyết thông qua thượng lượng và hợp tác khai thác, dẫn đến một cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước tại Bắc Kinh vào ngày 19/3/1995 (thất bại). Ngay trong thời gian diễn ra cuộc họp, Philippines cho quân phá hủy các phao đánh dấu do Trung Quốc thả tại bãi Hải Sâm, bãi Sa Bin và bãi Trăng Khuyết. Ngày 25/3, Philippines bắt 4 tàu cá của Trung Quốc tại đá Suối Ngọc rồi dẫn giải về đảo Palawan.

Tháng 11/1998, Trung Quốc gửi 7 tàu chở theo rất đông thợ xây đến đá Vành Khăn để mở rộng các cấu kiện hình bát giác “dành cho ngư dân” thành những toà nhà bê-tông. Hậu quả là một đợt căng thẳng mới kể cả bằng lời nói và hành động thực tế đã bùng phát giữa nước này và Philippines. Philippines liên tục từ chối lời đề nghị cùng sử dụng các ngôi nhà của Trung Quốc trên đá Vành Khăn, cho máy bay do thám đá này và cho hải quân bắn chìm một số tàu cá của Trung Quốc mà Philippines cho rằng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Ngày 11/7/2012, khinh hạm kiểu 053 Đông Quan của Trung Quốc mắc cạn trên bãi đá ngầm, gây ra sự bối rối cho chính phủ Trung Quốc và gây ra một tình huống ngoại giao khó xử. Con tàu sau đó đã được kéo trở lại căn cứ.

Năm 2015 Trung Quốc bắt đầu xây một đường băng trên đá Vành Khăn. Tháng 7/2016 đường băng 2.644 m x 55 m này đã hoàn tất, được Trung Quốc cho máy bay thử nghiệm ngày 12/7/2016, ngay trước thời điểm Tòa án Trọng tài Quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông(**).

Đài CNBC của Mỹ ngày 2/5/2018 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên ba thực thể Đá Chữ Thập, Xu Bi, Đá Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.

Vào cuối năm 2016, các bức ảnh xuất hiện cho thấy Đá Vành Khăn được trang bị vũ khí phòng không và hệ thống phòng thủ tầm gần CIWS.

Vào đầu năm 2021, hình ảnh vệ tinh và phân tích thông tin địa lý của bên thứ ba đã xác nhận một thiết bị gắn ăng-ten radome và có thể có, trong số các công việc chuẩn bị xây dựng khác đang được tiến hành trên Đá Vành Khăn.

(*)Tên gọi Mischief là do nhà làm bản đồ Henry Spratly đặt vào năm 1791 khi ông đi qua vùng quần đảo Trường Sa.

Một nguồn tin khác cho rằng rạn san hô Mischief được Henry Spratly phát hiện vào năm 1791 và được đặt theo tên của loại tàu kéo Mischief hoạt động thường xuyên ở Biển Đông vào những năm 1850.

(**)Vào ngày 12/7/2016, ủy ban của Tòa án Trọng tài Thường trực kết luận rằng Đá Vành Khăn là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines./.

Đá Vành Khăn sau sự bồi đắp, xây dựng công trình trái phép

Đá Vành Khăn 2/2015

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *