Tọa độ: 9°45′40″B, 114°21′50″Đ (Tọa độ Google Map)
Đá Len Đao (tiếng Anh: Lansdowne Reef) là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đá Len Đao như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đài Loan, Philippines và TQ cũng tuyên bố có chủ quyền.
Đá Len Đao nằm cách đá Gạc Ma 6,4 hải lý (11,8 km) về phía ĐB và cách đảo Sinh Tồn 6,8 hải lý (12,6 km) về phía NĐN. Về mặt địa lý, đá Len Đao không phải là một đảo mà là rạn san hô. Khi thủy triều xuống thấp thì bãi san hô nổi lên khoảng 0,5 m; ngược lại khi thủy triều lên cao thì bãi chìm dưới nước 1,8 m.
Khoảng 5h sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-605 của Việt Nam hành quân đến đá Len Đao và cắm cờ chủ quyền lên đảo chìm này. Các tàu chiến Trung Quốc áp sát đe dọa và nổ súng vào tàu HQ-605. Thương vong về phía Việt Nam gồm có: thuyền phó Phan Hữu Doan và chiến sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh; 3 người lính bị thương nặng là thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn, máy trưởng Uông Xuân Thọ và chiến sĩ cơ điện Trần Văn Sáu.
Khoảng 06.00 ngày 15/3/1988, tàu HQ-605 bốc cháy và chìm ở đá Len Đao. Những người sống sót sau vụ chìm tàu HQ-605 bơi xuồng rút về đảo Sinh Tồn.
Trước đó vào chiều ngày 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ các đá Len Đao và Cô Lin.
Sau trận đánh, Việt Nam lên kế hoạch đổ bộ củng cố quyền kiềm soát các đảo chìm với tên gọi chiến dịch là CQ-88 (Chủ quyền-88).
Một tháng sau trận hải chiến, Hải quân Việt Nam điều tàu không số của Lữ đoàn 125 chở theo 35 lính công binh và 7 lính hải quân của đơn vị c7-d3 (Lữ đoàn công binh E83) do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy quay lại quần đảo Trường Sa và bí mật đổ bộ trong đêm lên đá Len Đao xây nhà đánh dấu chủ quyền. Trong cùng ngày, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên lần này Việt Nam cho 7 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-22M từ đất liền bay ra phía đá hỗ trợ nên số tàu chiến của Trung Quốc tản ra; đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá và giữ được đá Len Đao cho đến ngày hôm nay./.