ĐẢO SINH TỒN

Tọa độ: 9°53′7″B, 114°19′47″Đ  (Tọa độ Google Map)

– Diện tích: 0,1856 km2 (18,56 ha)
– Chiều dài: 400 m
– Chiều rộng: 220 m

Sinh Tồn (tiếng Anh: Sin Cowe Island) là một hòn đảo trong cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Đảo này cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận về mặt tổ chức hành chính thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền 320 hải lý, cách đảo Sinh Tồn Đông 14 hải lý (26 km) về phía Tây. Đảo này chỉ cách đá Gạc Ma khoảng 10,5 hải lý (19,4 km), nơi xảy ra vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1988.

Đảo chạy dài theo hướng Đông – Tây, chiều dài khoảng 400 m, chiều rộng 220 m. Xung quanh đảo có tường kè chắn sóng. Hai đầu của đảo theo hướng Đông – Tây có hai dải cát di chuyển theo mùa sóng gió. Đảo có diện tích đất tự nhiên vào khoảng 8 ha và diện tích cải tạo thêm trên nền san hô là 11 ha. Theo như hình ảnh vệ tinh LandsatLook, diện tích đất nổi của đảo sau khi cải tạo xong là 18,56 ha (0,1856 km2).

Đảo nằm trên nền san hô ngập nước cách bờ kè 300-600 m, khi nước thủy triều xuống thấp nhất nền san hô lộ khỏi mặt nước 0,2-0,4 m. Cũng như các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn nắng nóng và có hai mùa gió chính là ĐB và TN. Chế độ thủy triều và bán nhật triều không đều.

Sau khi quần đảo Hoàng Sa thất thủ vào tháng 1/1974, đầu tháng 2/1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng ở 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa gồm có đảo Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh TồnSơn Ca.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 29/3/1975, Đội đặc công 1, đoàn 126 được tăng cường 3 tàu vận tải của Lữ đoàn 125 Bộ tư lệnh Hải quân để chiếm giữ các đảo tại quần đảo Trường Sa từ tay Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 28/4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Sinh Tồn và đóng quân trên đảo này từ đó đến nay.

Năm 2007, chính phủ Việt Nam thành lập xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận thuộc cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo Nam Yết như đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca…

Sinh Tồn là một trong những đảo của QĐTS có dân thường cư trú và là nơi đặt trụ sở Ủy ban nhân dân xã Sinh Tồn. Đảo có nhiều công trình dân sinh như Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, trạm khí tượng thủy văn, hệ thống điện gió và điện mặt trời, nhà văn hóa, trạm xá…

Nhà văn hóa đảo Sinh Tồn hoàn thành vào tháng 3/2012 gồm 2 tầng, có các phòng nghỉ, phòng sinh hoạt tập trung với diện tích sàn là 740 m2.

Đảo có một ngôi chùa mang tên chùa Sinh Tồn được xây dựng theo phóng cách truyền thống một gian, hai chái với mái cong, đầu đao và những pho tượng chế tác công phu. Tính đến năm 2020, đây là 1 trong 6 ngôi chùa hiện diện trên quần đảo Trường Sa (đó là: chùa Trường Sa ở đảo Trường Sa Lớn, chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn, chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết, chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca và chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh).

Đất ở đảo Sinh Tồn là cát và san hô. Đảo có nhiều cây xanh nhưng không có giếng nước ngọt. Cây xanh lớn trên đảo chủ yếu là các cây phong ba, bão táp, bàng vuông, dừa và mù u để chống sóng.

Binh lính và dân trên đảo cải tạo đất để trồng các loại rau như rau cải, rau muống, mồng tơi và rau đay. Ngoài ra trên đảo còn nuôi được lợn, gà, vịt, chó,

Sinh Tồn là hòn đảo có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa. Trên đảo có một tấm biển ghi lời của Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”./.

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *