THẦY CHỦ NHIỆM

Khi đó, lần đầu tiên Học viện áp dụng cơ chế mỗi lớp chuyên ngành đều có một thầy “Chủ nhiệm”. Các thầy chủ nhiệm sẽ là cầu nối giữa học viên và các thầy cô khác. Thầy sẽ là người trực tiếp lắng nghe ý kiến của học viên, vạch ra con đường cho toàn cục và định hướng, chỉ bảo cho từng người về tất cả các vấn đề như xây dựng học viên giỏi, phân loại để kết nạp đảng từng đợt, kế hoạch giúp đỡ khắc phục học viên yếu, thậm chí trực tiếp xin thầy cô khác nâng điểm để cậu nọ, cậu kia đủ điểm tổng kết để kết nạp đảng hay học viên khá, giỏi… Và còn nhiều thứ nảy sinh ngoài những công việc trong cái lớp ấy: là những bữa cơm thầy trò cuối tuần; là những tư vấn tình yêu cho các cậu trai mặc nguyên quân phục, nhảy rào đi tán gái…

Chúng tôi ra trường, tất cả, ai cũng coi thầy như người cha, người anh lớn. Thầy thương tụi tôi như những đứa em. Đến tận khi tôi ra trường vài năm, về lại Nha Trang thăm, mời thầy đi ăn sáng, thầy lại móc tiền túi trả cho cả mấy đứa: “Chúng mày sĩ quan trẻ lấy đâu ra tiền”.

Đó là câu nói thật sự ghi sâu vào tâm trí, đến giờ nó vẫn văng vẳng, ấm cúng đến chí tình. Không biết giờ còn ai nói câu ấy nữa không?!

Thầy khi đó cũng lớn tuổi rồi, “xoáy” vài lần thượng tá rồi.

Thầy có chuyên môn và kinh nghiệm nhất về lĩnh vực mình dạy, nhưng không thể lên cao hơn được vì… bằng cấp. Nhiều người ngồi cao hơn thầy cái chỗ, cái ghế nhưng không bằng được thầy về tài, về đức.

Vèo cái, đã trôi qua mấy chục năm. Tôi giờ cũng đeo quân hàm như thầy khi ấy. Đôi lúc tự đặt mình vào cương vị thầy nhưng thấy mình không có được cái đức như ở vị tôn sư của mình. Tôi đi đơn vị, cũng có các đàn em, nhưng không được đứng giảng lớp như thầy, không có được điều kiện cho đi những gì mình biết đến các thế hệ sau nhiều bằng thầy, chỉ biết cố gắng noi gương thầy. Đã có vài cậu em thế hệ sau có thì thầm rằng: “anh chính là người thầy của em”. Lời đó thật ấm. Chắc chắn là thật. Tôi tin tôi sẽ học được thầy cái đức tính ấy: vì thế hệ sau, vì tương lai của ngành mình.

Vậy nhưng, dù tôi bây giờ điều kiện vật chất hơn nhiều khi thầy của những năm ấy, thì lại bon chen hơn, so đo, cân nhắc, toan tính.

Rất nhiều 20/11 tôi không về thăm được thầy. Năm nay cũng vậy. Tôi đi học Tây về, ủ sẵn mấy chai rượu, mà mãi cũng chưa đem biếu được thầy.

Tôi còn chưa quên, khi chúng tôi còn ở Học viện, cũng trong một ngày 20/11. Thầy gọi chúng tôi ra nhà đánh nhắm. Giữa bữa cơm, thầy chợt nhớ có việc, đứng lên bảo: “các em ngồi đây, cứ tiếp tục, thầy vào tặng hoa một cô trong trường rồi quay lại ngay”. Thầy một tay lái xe máy, một tay cầm bó hoa. Hôm đó thầy té xe… Thật buồn!

Để vì học trò, vì thế hệ sau, có khi phải trả giá như vậy. Đành rằng không trực tiếp, không cố ý, là ngẫu nhiên nhưng để lại nhiều tâm tư. Vài lần sau này, chúng tôi về thăm thầy và cô. Nhìn chúng tôi trưởng thành, cô giờ cười mãn nguyện, khác với vẻ lo lắng vào cái ngày thầy té xe năm ấy. Tai nạn đã thật buồn nhưng ở đó, là tình thầy trò, là chan chứa tình người. Nếu không phải vì tình cảm, sẽ không có những cuộc thầy trò ngồi lại với nhau như vậy, không có những chuyện không may mắn xảy ra như vậy. Phải thế không?! Nhưng giá trị con người, như gừng già, quế già. Thời gian đã cho câu trả lời. Tôi, chặng đường còn lại, cứ nhắm vào thầy mà tiến. Tôi lại ước: về nghỉ được thong dong thơ phú, đàn ca như thầy. Các thế hệ học trò, lớp lớp, khi nào cũng muốn về thăm lại thầy, ở cái căn nhà ấm cúng ấy, có cây xoài to trước cửa, tỏa bóng mát và đầy trái ngọt./.

(Facebook Lee Long 20/11/2021)

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *