ĐÁ TÂY

Tọa độ: 8°50′42,3″B, 112°11′42,8″Đ

Đá Tây (tiếng Anh: West (London) Reef) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đá Tây cùng với đá Đông, đá Châu Viên và rạn san hô chứa đảo Trường Sa Đông hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là cụm rạn Luân Đôn (London Reefs). Đá Tây (B) nằm cách đảo Trường Sa 20 hải lý (37 km) về phía Đông Bắc.

Hiện Việt Nam đang quản lý rạn vòng này như một phần của thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Đài Loan, Philippines và Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.

Bản đồ hành chính đều thể hiện danh từ riêng là Tây còn danh từ chung để mô tả thực thể là đá (rạn san hô). Về bản chất địa lý, đá Tây không phải là một đảo mà là rạn san hô vòng.

Rạn san hô Đá Tây có dạng hình quả trám nằm theo trục Đông Bắc-Tây Nam, dài khoảng 10 km, rộng đến 5,5 km. Các lạch nước phân chia vành san hô của rạn vòng này thành bốn phần riêng biệt. Một doi cát nổi lên với độ cao tối đa là 0,7 m ở bãi san hô phía Đông.

Hải quân Việt Nam đã đóng quân tại 3 điểm trên Đá Tây, được đặt tên là Đảo Đá Tây A, B, C, có tọa độ địa lý là:

Đảo Đá Tây A: 8°51′52″B, 112°22′0″Đ, là đảo nhân tạo có diện tích đất nổi đáng kể nằm về phía Đông của bãi san hô đá Tây. Theo như Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Hoa Kỳ) thì Việt Nam đã cải tạo 28,5 ha gồm đất lấn biển và nền san hô được nạo vét làm âu tàu. Theo ảnh vệ tinh LandLook (USGS, Hoa Kỳ) thì diện tích đất nổi hiện tại của đảo này vào khoảng 10 hecta (0,1 km2).

Đảo Đá Tây B: 8°54′2″B, 113°13′20″Đ, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô, ở đây có Hải đăng Đá Tây:
– Năm khởi xây: 1994
– Tọa độ: 8°50′41″B, 112°11′42″Đ
– Vật liệu xây thân: bê-tông
– Màu/dấu hiệu: trắng
– Chiều cao tháp đèn: 20 m
– Tâm sáng: 22 m
– Nguồn sáng: Đèn chính: ML 300 (Đèn phụ: HD 300)
– Tầm chiếu sáng: 14 hải lý (ban ngày); 16 hải lý (ban đêm)
– Đặc tính ánh sáng: Ánh sáng trắng
– Chớp: nhóm 3, chu kỳ 10s

Đảo Đá Tây C: 8°52′0″B, 112°21′0″Đ, nằm về phía Bắc của của bãi san hô, gồm một nhà lâu bền và một nhà văn hóa đa năng.

Từ cuối năm 1987, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến hoạt động trong khu vực quần đảo, có ý đồ chiếm đóng một số bãi san hô. Hải quân Việt Nam mở chiến dịch CQ-88, tổ chức lực lượng, phương tiện đóng giữ thêm một số đảo, bãi đá ở Trường Sa.

Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 đưa các lực lượng hải quân đánh bộ và công binh cùng vật liệu đến xây nhà cấp 3 ở đảo Đá Tây.

Cuối tháng 11/1987, khu nhà ở và nhà trực canh đã hoàn thành. Đơn vị chốt giữ Đá Tây lập tức tổ chức canh gác, bảo vệ đảo.

Đảo Đá Tây A là đảo chìm mới được tôn tạo và bồi đắp thành đảo nổi, phần nổi hiện nay hoàn toàn là xác san hô được lấy từ phần đào để làm âu tàu, đặc điểm là cát san hô bị nhiễm mặn. Rau xanh trên đảo được trồng trong các nhà màng. Có bể ngầm ngay dưới nền nhà màng để thu gom toàn bộ nước mưa tại các mái nhà và đường bê tông để dự trữ phục vụ cho tưới rau và chăn nuôi. Cây xanh trên đảo được trồng chủ yếu là bàng vuông, phi lao.

Đảo Đá Tây A có âu tàu rộng khoảng 16,5 ha có thể chứa được khoảng 200 tàu cá tránh trú bão an toàn. Bên cạnh đó còn có khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ hợp nuôi trồng thủy sản thí điểm (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ khai thác thủy sản Biển Đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và một siêu thị cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân từ lương thực, thực phẩm đến nhu yếu phẩm. Ngoài ra đảo còn có 2 nhà tránh trú bão với sức chứa 2.000 người.

Trên đảo Đá Tây A có “Nhà Đại đoàn kết các Dân tộc Việt Nam” được xây dựng vào năm 2019. Một ngôi chùa được xây cất trên đảo Đá Tây A, khánh thành cuối năm 2021, đầu 2022.

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *