THẦY – CON

Sự nghiệp giáo dục – gốc rễ của một dân tộc, thịnh suy chính là ở chỗ này. Chỉ có điều, lịch sử biến thiên, con người biến đổi. Nghề giáo ở Việt Nam đang trải qua thăng trầm, nền giáo dục chưa có được con đường đủ vững chãi. Tôi nghĩ, mình nếu được làm nghề này chắc gì đã trụ được. Thầy-trò giờ đã khác xưa lắm, không phải như chúng tôi thời ấy, gọi “thầy” xưng “con”.

Câu chuyện thứ nhất:

Năm hai ngàn không trăm lẻ xyz, khi mà nhà mình chưa được dư giả gì, ở nhà thuê (bây giờ không còn ở nhà đó, nhưng nhà đang ở giờ vẫn thuê). Trong một lần dịp 20/11, học trò của vợ đến nhà thăm cô cả mấy chục đứa. Nhìn các cháu buổi trưa ngơ ngáo, mình bàn với vợ mần nhanh một nồi bún riêu cua.

Lần đầu tiên mình làm một nồi bún riêu bà Tân vlog như thế, siêu to khổng lồ, vừa làm vừa hát. Các cháu ăn ngon, vui như cái chợ. Vợ chồng ấm lòng.

Nhưng…

Sau khi các cháu về hết, vợ phát hiện mất cái điện thoại (thời đó chỉ là cục gạch).

Nỗi buồn ngập lòng nhanh chóng ùa về với chút ấm ức…

Ngay hôm sau lên trường, sau vài động tác sàng lọc, thủ thuật điều tra nho nhỏ, cô giáo vợ đã lấy lại được cái điện thoại từ một trong số các em học trò ăn bún hôm trước.

Câu chuyện thứ hai:

Hôm đó là 20/11, bọn mình rủ nhau tấn công nhà thầy chủ nhiệm.

Những năm học viên Học viện Hải quân, anh em đa số là xa quê, cơm bếp ngàn mấy hai ngàn, luôn thèm lắm bữa cơm gia đình.

Cô làm nhanh một mâm cỗ đầy, thầy trò quây quần cụng li gần như không còn khoảng cách (hồi đó học viên chưa bị cấm uống rượu). Đang dùng bữa, thầy đứng dậy: “Các em cứ ngồi đây, đợi thầy chạy vào Học viện một chút”. Thầy một tay cầm bó hoa, một tay cầm lái xe máy phi vào Học viện. Một lúc sau thì có tin về, rằng thầy bị té xe. Tôi chợt nhớ, thầy thuận tay trái, tay ga bên phải, còn ôm bó hoa, mà đã có chút men men trong người rồi…

Cả lớp vứt bát đũa, chạy qua thăm thầy bị thương khá nặng ở mặt, ở tay…

Buồn man mác một ngày 20/11.

Câu chuyện thứ ba:

Hôm sau là ngày thi tốt nghiệp của lớp, cũng là của khóa. Thầy cô thức từ khuya, làm một nồi xôi đậu đỏ cho “27 đứa con”.

Khi còn tinh sương, thầy cô đã lịch kịch chở vào nồi xôi nghi ngút khói cơm. Đứa nào cũng vừa ăn vừa nghĩ, xôi đậu đỏ thì đỗ cao chắc rồi.

Năm đó 100% đạt được nguyện vọng, vượt qua kỳ thi trong hơi ấm tình cha con, chứ không chỉ đơn giản là giữa thầy và trò nữa!

Câu chuyện thứ tư:

Thầy đã về hưu, cô đã về hưu mươi năm. Hai “sư phụ, sư mẫu” đều đã bạc trắng mái đầu. Bọn học viên con em ngày nào giờ toàn thượng tá, đại tá, tiến sĩ, phó giáo sư.

Thầy gọi cho một đứa đại diện: “Chúng mày bố trí thời gian tùy ý, tập trung vợ chồng con cái qua nhà thầy cô, tao đãi món bún bò Huế” (thầy cô là những người gốc Huế).

Cả lớp nhốn nháo, vui mừng khấp khởi. Mấy đứa ở xa thèm nhỏ dãi. Mấy đứa khu vực Khánh Hòa hẹn hò, tụ tập luôn. Ngày cuối tuần quây quần về nhà thầy cô ăn bún. Chuyện như pháo rang, bọn trẻ con của các đại tá, thượng tá chạy nhảy nô đùa, leo trèo như ở nhà ông bà nội.

Thầy cô mời ăn bún nhưng uống mãi không hết rượu, ăn mãi không hết mồi. Đến giai đoạn đặc sản bún bò Huế thì càng thêm náo loạn, sì sụp, vừa thơm vừa cay, tô tô bát bát…

Hàng xóm nhà thầy cô ngạc nhiên, thắc mắc: “Cái ông Phú bà Vân này, con cháu gì mà đông đến vậy, ô tô đậu hết cả khu phố”./.

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *