Tổng quan:
– Tên gọi: Lớp Gepard (Project 1166.1)
– Có trong biên chế các nước: Nga, Việt Nam
– Kiểu loại: tàu hộ vệ (corvette)
– Lớp trước: Khinh hạm Koni (Project 1159)
– Chi phí: 175-350 triệu USD (thời giá 2010, tùy phiên bản)
– Thời gian đóng: 1991-nay
– Lịch sử sử dụng: 2003-nay
– Chế tạo: 6
– Hoàn tất: 6
– Đang hoạt động: 6
– Lượng giãn nước: 1.700 tấn (tiêu chuẩn); 2.100 tấn (đầy tải)
– Chiều dài: 102,14 m (93,5 m mớn nước)
– Độ rộng: 13,8 m
– Mớn nước: 3,8 m
– Động lực đẩy (CODOG):
+ 2 x động cơ tua-bin khí (29.300 shp mỗi chiếc)
+ 1 x Type 61D diesel (8.000 bhp), các bộ máy phát điện diesel 3.600 kW
+ 2 x trục
– Tốc độ: 28 hl/g
– Tầm hoạt động: 3.000 hl (6.000 km) ở tốc độ 18 hl/g
– Khả năng đi biển: 15 ngày đêm
– Quân số: 103
– Khí tài:
+ radar hàng hải MR-231
+ radar Cross Dome tìm kiếm bề mặt và trên không
+ radar điều khiển bắn Pop Group SA-N-4,
+ thiết bị chỉ thị mục tiêu tên lửa hành trình Bass Stand,
+ kiểm soát bắn AK-630 Bass Tilt
+ sonar trung tần lắp trong vỏ tàu;
+ sonar trung tần VDS (sonar thay đổi độ sâu) kéo theo
– Tác chiến điện tử và mồi bẫy:
+ 2 x thiết bị chắn thụ động Bell Shroud
+ 2 x máy làm nhiễu Bell Squat
+ 4 x bệ phóng tên lửa mồi bẫy 10 ống Pk-10
– Vũ khí:
+ 8 x tên lửa chống tàu Kh-35 (2 bệ phóng, mỗi bệ 4 ống phóng)
+ 1 x hệ thống tên lửa đất đối không Osa-M (một bệ phóng kép, 20 tên lửa SA-N-4 Gecko)
+ 1 x 76,2 mm AK-176 (500-viên trong ổ đạn)
+ 2 x 30 mm AK-630 (2.000-viên trong ổ đạn mỗi khẩu)
+ 4 x ống phóng ngư lôi 533 mm TEST-71 (hai bệ phóng kép)
+ 1 x bệ phóng bom chìm RBU-6000 12-ống chống ngầm
+ 12-20 x ngư lôi.
Tàu hộ vệ lớp Gepard (tiếng Nga “Гепард”, nghĩa là “Con báo”) được thiết kế nhằm thay thế cho các tàu hộ vệ lớp Koni, Grisha, và Parchim trước đây. Tàu Yastreb (Chim ưng), chiếc đầu tiên trong lớp, được chế tạo tại xưởng đóng tàu Zelenodol’slk Zavod ở Tartarstan năm 1991. Nó được hạ thuỷ tháng 7/1993, và sau đó bắt đầu được đưa vào biên chế. Nó đã hầu như hoàn thành vào cuối năm 1995, khi việc trang bị phải ngừng lại vì thiếu vốn. Được đổi tên lại thành Tartarstan, cuối cùng chiếc tàu cũng được hoàn thành tháng 7/2002, và hiện đang phục vụ như một soái hạm của Hạm đội Caspian. 2 chiếc tàu cùng lớp với nó, Albtross (được đổi tên lại thành Dagestan) và Burevestnik (Chim báo bão), vẫn đang được chế tạo. 4 tàu thuộc lớp 11661E cũng đã hoàn thành và được giao cho Việt Nam.
Những chiếc tàu lớp 11661 này có ki và cấu trúc thượng tầng chủ yếu được chế tạo từ thép, với một số hợp kim nhôm-magiê được dùng ở phần trên của cấu trúc thượng tầng. Kiểu kết cấu và lườn giúp chúng hạn chế được khả năng bị phát hiện bởi các radar phản xạ thông thường. Thân tàu được trang bị vây ổn định và các bánh lái kép giúp tàu có độ ổn định cao. Hệ thống truyền động theo cấu hình CODOG 2 trục được cung cấp lực đẩy kết hợp giữa 2 động cơ diesel loại 61D (công suất 8.000 mã lực) sử dụng đi đường trường và 2 động cơ tua-bin khí (29.300 JP) cung cấp tốc độ cao trong chiến đấu lên đến 28 hl/g. Hệ thống điện được cung cấp bởi 3 máy phát điện diesel công suất 600 kWh.
Lớp tàu 1166.1 được cấu hình có khả năng sử dụng các vũ khí trong điều kiện sóng gió cấp 5. Hệ thống vũ khí được thiết kế mở, cho phép cấu hình hệ thống vũ khí linh hoạt trong cả phòng không, chống ngầm và hỏa lực tấn công.
Thân tàu và kiến trúc thượng tầng được xây dựng chủ yếu bằng thép, với một số nhôm-magiê được sử dụng trong kiến trúc thượng tầng. Thân tàu được chia thành 10 khoang kín nước, con tàu được thiết kế để duy trì hoạt động ngay cả khi 2 khoang bị thủng và ngập nước.
Hệ thống radar bao gồm radar phát hiện mục tiêu trên không MR-352 “Poritiv” có tầm phát hiện lên đến 130 km, radar điều khiển cụm hỏa lực “Monolit”, radar điều khiển tên lửa phòng không MPZ-301 “Baza”, radar điều khiển pháo phòng không MR-123 Vympel.
Hệ thống tác chiến điện tử có thể được trang bị cho tàu gồm các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động, cũng như 2 bệ phóng 8 ống phóng rốc-két gây nhiễu PK-16.
Ngoài ra, tùy vào cấu hình mà tàu có thể được trang bị:
– 1 hệ thống phòng thủ tầm gần Palma bao gồm: 8 tên lửa dẫn đường bằng laser 9M337 Sosna-R (có tầm bắn 10 km, độ cao tối đa 5 km) và hai pháo Gatling AO-18KD 6 nòng 30 mm bắn đạn xuyên giáp (APDS) và đạn phân mảnh/đốt cháy HE (HEFI), mỗi khẩu pháo có 1.500 viên đạn sẵn sàng để sử dụng, có tốc độ bắn 10.000 phát/phút, sơ tốc đạn là 1100 m/s. Tầm bắn của pháo là 200 m đến 4 km và độ cao lên tới 3 km. Hệ thống điều khiển radar, quang học kết hợp hồng ngoại của Palma có thể phát hiện các tàu cỡ nhỏ ở khoảng cách 70 km và các mục tiêu máy bay chiến đấu nhỏ ở 7 km. Thời gian phản ứng của Palma rất nhanh do nó tự động, chỉ 3-5 giây (từ khi phát hiện mục tiêu đến lúc khai hỏa).
– 8 tên lửa chống hạm Kh-35 (2 bệ phóng, mỗi bệ gồm 4 ống phóng), tầm bắn 130 km hoặc 260 km (tùy phiên bản).
– 1 tháp pháo tự động lưỡng dụng 76,2 mm/L 59 AK-176M (152 viên đạn), với tầm bắn khoảng 15 km. Tháp pháo nặng 9,5 tấn, giá đỡ pháo có góc xoay +/- 175 độ theo góc phương vị và độ cao -10 độ đến +85 độ. Vận tốc của đạn pháo là 980 m/s. AK-176M có thể lựa chọn chế độ bắn là 30, 60 và 120 viên mỗi phút. Với tốc độ 120 viên/phút pháo sẽ bắn 75 phát đạn, sau đó phải mất khoảng 30 phút làm nguội nòng. AK-176 có hiệu quả chống lại tên lửa, mất trung bình 25 viên đạn để bắn hạ một tên lửa chống hạm cận âm như AGM-84 Harpoon. Các tàu lớp Gepard mới thì được trang bị pháo AK-176MA, phiên bản này có khả năng bắn bắn tối đa 150 viên/phút với độ chính xác cao hơn, trang bị hệ thống quang học Sfera-2 có phạm vi quan sát lớn hơn, trong khi khối lượng tháp pháo đã giảm xuống còn chưa đầy 9 tấn.
– 4 ống phóng ngư lôi 533 mm (hai bệ phóng kép).
– Sàn đáp và khoang chứa hở cho 1 trực thăng săn ngầm Ka-28.
– Thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu thay đổi VDS.
Đối với tác chiến chống tàu ngầm (ASW), Gepard mang theo 1 bệ phóng đôi ngư lôi 533 mm ở mỗi bên của con tàu. Gepard sử dụng ngư lôi TEST-71M-NK. Ngư lôi TEST-71M-NK là ngư lôi có dây dẫn điều khiển, có thể chuyển sang mục tiêu thay thế và nó có thể cơ động theo 2 trục. Nó có tầm bắn 20 km và tốc độ 35 hl/g. Ngư lôi dài 7,93 m, trọng lượng 1.820 kg và có đầu đạn 205 kg. Nó có lợi thế là sử dụng 2 ngòi nổ khác nhau, một được kích hoạt bằng âm học và một bằng từ trường của mục tiêu.
Người ta không rõ những loại sonar nào được các tàu Gepard mang theo, nhưng những chiếc Gerpard ban đầu của Nga thường mang theo bộ sonar thân tàu MGK-335EM-03. Đây là sonar chủ động/thụ động có góc quét 260 độ, và có thể phát hiện tàu ngầm ở khoảng cách 10-12 km và ngư lôi ở khoảng cách 2 km.
Gepard mang 3 radar chính:
– Radar tìm kiếm 3 chiều Pozitiv-ME1. Radar hoạt động trên băng tần X. Có thể theo dõi 40 mục tiêu trong khi vẫn có khả năng theo dõi 3-5 mục tiêu cho tên lửa, có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 150 km bay ở độ cao tới 30.000 m. Các mục tiêu trên không có kích thước máy bay chiến đấu với RCS > 1 m2 bay ở độ cao 1.000 m được phát hiện ở cự ly 110 km, tên lửa chống hạm (RCS > 0,03 m2) bay ở độ cao 15 m, được phát hiện từ khoảng cách 13-15 km.
– Radar điều khiển hỏa lực Mineral-ME cho tên lửa chống hạm Kh-35. Ở chế độ chủ động, radar có phạm vi phát hiện tối đa 250 km, trong khi ở chế độ thụ động có thể phát hiện mục tiêu ở phạm vi lên tới 450 km. Có thể điều khiển tên lửa có hiệu quả ở phạm vi 30 km trong khi đồng thời theo dõi tới 10 mục tiêu. Radar có thể giám sát tới 200 mục tiêu mặt nước, theo dõi tới 50 mục tiêu (thụ động) hoặc 30 mục tiêu (chế độ chủ động) trong khi trao đổi dữ liệu mục tiêu với tối đa 9 tàu mặt nước.
– Radar điều khiển hỏa lực MR-123 Laska cho pháo 30 mm, pháo 76 mm và cho hệ thống Palma.
Hệ thống chỉ huy chiến đấu (CMS) Sigma-E là trái tim của con tàu. CMS gồm máy tính và phần mềm tích hợp tất cả vũ khí, dữ liệu, cảm biến và thiết bị khác của một con tàu vào một hệ thống, tất cả các cảm biến và hệ thống vũ khí của tàu được kết nối với CMS và được điều khiển từ nó. CMS là bộ phận chỉ huy và ra quyết định trung tâm trong hệ thống chiến đấu của tàu. Về cơ bản, nó cho phép kíp tàu chống lại các mối đe dọa nhanh hơn và hiệu quả hơn, đặc biệt là trong các hoạt động chiến đấu. Hệ thống chỉ huy chiến đấu Sigma-E có thể được trang bị tới 12 trạm làm việc để giám sát một loạt các quy trình chỉ huy và kiểm soát.
Về hệ thống tác chiến điện tử & biện pháp đối phó, các tàu Gepard có hệ thống biện pháp đối phó điện tử (ECM) MP-405E và MP-407E, hệ thống đối phó sonar, trạm phát hiện laser Spektr-F4 và bốn hệ thống phóng mồi nhử PK-10:
– Hệ thống ECM MP-405 E và MP-407E: được thiết kế để ngăn chặn khí thải và tín hiệu của các nền tảng phát điện tử trên không và trên tàu như radar thu nhận mục tiêu, radar điều khiển vũ khí và radar tìm kiếm tên lửa chống tàu, và thực hiện phân loại tín hiệu tự động để phân loại các mối đe dọa dựa trên mức độ nguy hiểm của chúng và để cung cấp biện pháp gây nhiễu các mối đe dọa như vậy. Các hệ thống này cũng tạo ra tín hiệu giả và phá vỡ hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương. Các hệ thống này bao gồm 2 thiết bị đánh chặn thụ động Bell Shroud và 2 thiết bị gây nhiễu Bell Squat.
– Hệ thống phóng mồi nhử PK-10: các viên đạn do nó phóng ra tạo thành các mồi nhử và pháo sáng để đánh lừa tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại hoặc radar. Một bệ phóng mồi nhử PK-10 mang 10 viên đạn 120 mm có chiều dài là 1,22 m và trọng lượng 25 kg, là loại đạn A3-SR-50, A3-SO-50 hoặc A3-SOM-50. Các tàu Gepard mang theo 4 bệ phóng mồi nhử PK-10, 2 ở phía trước và 2 ở phía sau tàu.
2 quốc gia sử dụng tàu hộ vệ Gepard là Nga và Việt Nam
Lớp Gepard đã được thiết kế như một loại tàu chiến trọng lượng nhẹ, giá thành không quá đắt cho xuất khẩu. Người Nga đã đề xuất 5 biến thể cho xuất khẩu.
– Gepard 1: Có sàn đáp trực thăng nhưng không có chỗ chứa máy bay và thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu khác nhau VDS (Variable Depth Sonar).
– Gepard 2: Có sàn đáp trực thăng và chỗ chứa máy bay, tuy nhiên không trang bị VDS và tên lửa phòng không 9K33 Osa.
– Gepard 3: Tăng sườn ngang lên 13,8 m, lượng giãn nước tăng lên 2.100 tấn khi đầy tải, một hệ thống vũ khí tầm gần CIWS (Close-in weapon system) Kortik đặt phía trước thay cho hệ thống CIWS AK-630, nhà chứa máy bay bên trên chỗ để VDS.
– Gepard 4: Phiên bản không vũ trang cho tìm kiếm và cứu hộ, dù các điểm đặt vũ khí vẫn được chế tạo.
– Gepard 5: Có sàn đáp trực thăng nhưng không nhà chứa máy bay, tầm hoạt động được tăng lên 6.000 nmi (11.000 km) ở tốc độ 10 hl/g, tốc độ tối đa giảm còn 23 hl/g, các tuốc bin khí được thay thế bằng 2 động cơ diesel 8000 bhp.
Việt Nam
Năm 2006, Hải quân Việt Nam đã đặt hàng 2 tàu chiến lớp Gepard 3.9 và chúng đã được bàn giao vào năm 2011. Năm 2013, Việt Nam đã mua thêm 2 chiếc nữa và đã được chuyển giao cho Hải quân vào đầu năm 2018.
Lô Gepard đầu tiên có giá 175 triệu mỗi chiếc trong khi giá của lô thứ hai tăng lên 350 triệu mỗi chiếc. Không rõ chi tiết của việc nâng cấp khiến tàu tăng giá, nhưng dựa trên các bức ảnh chụp bên ngoài thì có thể thấy những chiếc Gepard lô sau đã được nâng cấp thiết kế so với lô trước, cụ thể:
– 2 tàu Gepard đầu tiên có kích thước 102,14 x 13,09 x 5,3 m (dài x rộng x mớn nước), còn 2 tàu lô sau lớn hơn chút ít là 102,4 x 14,4 x 5,6 m.
– 2 tàu Gepard đầu tiên có thủy thủ đoàn gồm 103 người, còn 2 tàu lô sau là 84 người (giảm 19 người) do tự động hóa được cải thiện. Chúng cũng có không gian cho thêm 16 nhân sự khi cần.
– 2 tàu của lô thứ hai có một hệ thống đẩy được cải tiến, nhưng không rõ chi tiết về điều đó.
– Lô Gepard thứ hai sử dụng hệ thống điều khiển tàu tích hợp Moskit-11661. Lô đầu tiên sử dụng một hệ thống đơn giản hơn.
– Lô Gepard thứ hai có vũ khí chống ngầm, còn lô đầu tiên không trang bị.
– Các tàu lô đầu tiên mang theo pháo AK-176M trong khi các tàu lô thứ hai mang pháo AK-176MA tiên tiến hơn.
Ngoài ra, có thể còn những nâng cấp khác trên các tàu Gepard của lô thứ hai, nhưng không thể nhận ra qua các bức ảnh được công bố.
Hải quân Việt Nam có một cơ sở đào tạo cho các tàu Gepard với hệ thống đào tạo mô phỏng Laguna-11661 hiện đại.
Năm 2020, Hải quân Việt Nam được cho là đã đang xem xét đặt mua thêm 1 cặp (2 tàu) Gepard, khả năng cao được trang bị thêm cụm 8 ống phóng thẳng đứng có thể phóng các tên lửa phòng không tầm trung, cao S-300F, tên lửa hành trình 3M-54 Klub./.